Phương án Quy hoạch tổng thể mặt bằng và xây dựng ga ngầm C9, được trưng bày lấy ý kiến vào tháng 3/2018. Ảnh: Chiến Công |
Vị trí tối ưu
Quá trình nghiên cứu quy hoạch, xác định hướng tuyến và vị trí các ga của tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, trong đó có Ga ngầm C9, được khởi đầu từ năm 2004 thông qua Chương trình Phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP). Từ năm 2004 - 2007, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), HAIDEP đã thực hiện nghiên cứu tiền khả thi tuyến ĐSĐT số 2 nhằm phân tích, kiểm tra tính khả thi của Dự án trên các phương diện kỹ thuật, kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường.
Trong nghiên cứu này, HAIDEP đã lựa chọn phương án hướng tuyến ĐSĐT số 2 đi qua khu vực đường Đinh Tiên Hoàng. Lý do là tuy phương án này có chi phí cao hơn, nhưng cung đường ngắn hơn và phục vụ được khu vực trung tâm TP tốt hơn. Ngoài ra còn tránh phải giải phóng mặt bằng các nhà cao tầng bên trên tuyến hầm.
Theo tôi, quy hoạch vị trí, thiết kế tuyến hầm ĐSĐT số 2 và ga ngầm C9 không xâm phạm vùng bảo vệ I; phần lớn nằm ngầm dưới mặt đất khu vực bảo vệ II nên khó có thể kết luận là vi phạm Luật Di sản. Mặt khác, công trình này vừa giúp người dân, khách du lịch thuận tiện hơn trong việc tiếp cận không gian văn hóa, lịch sử Hồ Gươm, vừa góp phần giảm ách tắc giao thông, cải thiện môi trường, cảnh quan cho trung tâm TP. Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành |
Năm 2007, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) lại hỗ trợ cho Chương trình nghiên cứu hình thành Dự án (SAPROF), nhằm tìm kiếm giải pháp bền vững và hiệu quả hơn. Trong các năm 2007 - 2008, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát địa hình, địa chất, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường... phục vụ Đoàn nghiên cứu. Đồng thời phối hợp với đoàn nghiên cứu tổ chức tham vấn cộng đồng dọc tuyến bằng nhiều hình thức; gửi hồ sơ tài liệu lấy ý kiến các bộ, ngành bằng văn bản... Kết quả, nghiên cứu SAPROF cũng đã đánh giá hướng tuyến ĐSĐT số 2 là phương án tuyến ưu việt, nên lựa chọn.
Kế thừa các kết quả nghiên cứu của HAIDEP và SAPROF, Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo do liên doanh Công ty CP Thiết kế GTVT phía Nam và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập đã được các bộ, ngành liên quan cho ý kiến thống nhất. Trong đó bao gồm hướng tuyến ĐSĐT số 2 và vị trí ga ngầm C9 nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.
Vào các năm 2009 - 2010, trên cơ sở Báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt năm 2008, Đoàn nghiên cứu của JICA phối hợp với Ban chỉ đạo và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức các cuộc họp tham vấn các cơ quan hữu quan. Trong đó quy hoạch hướng tuyến, mặt bằng đoạn đi ngầm... đã có ý kiến của Bộ VHTT&DL vào tháng 5/2010 và Viện Khảo cổ học vào tháng 7/2010, thống nhất về vị trí ga C9 phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.
Trong các năm 2011 - 2012, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội và Tư vấn chung đã tiến hành khảo sát địa chất, địa hình, khảo cổ học... dọc tuyến; lập quy hoạch mặt bằng tuyến, các ga ngầm. Tháng 10/2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có ý kiến thống nhất với vị trí ga C9. Tháng 6/2012, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP thông qua quy hoạch mặt bằng tuyến và ga ngầm C9. Tháng 2, 3/2014 tiếp tục tổ chức họp tham vấn cộng đồng tại UBND quận Hoàn Kiếm và phường Lý Thái Tổ về quy hoạch chi tiết ga C9.
Từ năm 2015 - 2016, theo chỉ đạo của UBND TP, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội lại phối hợp với Sở QH-KT và các cơ quan liên quan khảo sát, nghiên cứu bố trí Cụm công trình phụ trợ ga C9. Tiến hành tham vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học, Hội nghề nghiệp liên quan… Chính phủ cũng giao Bộ KH&ĐT thuê công ty tư vấn độc lập Mott Macdonald thẩm tra toàn bộ dự án. Năm 2017, tiếp tục xin ý kiến chấp thuận của Bộ VHTT&DL; lấy ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà sử học...
Từ ngày 9 - 31/3 vừa qua, đã tổ chức trưng bày giới thiệu, lấy ý kiến Nhân dân về Quy hoạch tổng mặt bằng ga C9. Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã tiếp nhận 1.718 phiếu đóng góp ý kiến, kết quả 90,3% ủng hộ, đồng ý; 7,2% phản đối và 2,5% không có ý kiến.
Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, bên cạnh các tiêu chí về quy hoạch, vị trí... công nghệ xây dựng ga ngầm C9, đường ray và chạy tàu đều đã được kiểm chứng qua thực tế, đảm bảo an toàn tối đa cho khu vực. Cụ thể, tuyến hầm được thiết kế nằm ở độ sâu hơn 12m, đảm bảo không ảnh hưởng đến các công trình nhà cửa bên trên và lân cận tuyến hầm trong quá trình thi công cũng như vận hành tàu về sau.
Hầm có đường kính 6,5m thi công bằng máy khiên đào TBM với công nghệ tiên tiến, triệt tiêu hoàn toàn độ rung lắc; độ lún bề mặt không đáng kể. Đặc biệt, các bộ cảm biến kết nối với trung tâm điều khiển trong suốt quá trình thi công, vận hành tàu sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ mọi hiện tượng lún, rung lắc nếu có.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các công nghệ xây dựng gần đây như máy khoan hầm, thiết bị đào mở sâu, cùng với hệ thống giám sát tiên tiến đã cho phép xây dựng ĐSĐT với độ an toàn và chất lượng cao ngay cả khi tiệm cận các di tích. Các chuyên gia của đơn vị tư vấn Dự án tuyến ĐSĐT số 2 đã đưa ra những ví dụ hệ thống tàu điện ngầm gần các di sản lịch sử của thế giới như ở Pháp, Đan Mạch, Nhật Bản...
Hơn nữa, ngay tại nước ta, TP Hồ Chí Minh cũng đã và đang xây dựng tuyến ĐSĐT Bến Thành - Suối Tiên với đường hầm và ga ngầm ngay bên dưới và cạnh Nhà hát TP, là di tích có tuổi đời hàng trăm năm. Tuyến ĐSĐT nêu trên cũng sử dụng kỹ thuật và công nghệ Nhật Bản, hoàn toàn tương đồng tuyến ĐSĐT số 2 và ga C9.
Thực tế quan trắc trong quá trình thi công xây dựng tuyến hầm đường sắt đô thị và ga ngầm Nhà hát TP (Tuyến ĐSĐT Bến Thành - Suối Tiên) cho thấy mức độ lún là vô cùng nhỏ. Khu vực Nhà hát TP, mức lún chỉ tương đương 0,1cm; khu vực đào hầm bằng máy TBM mức lún khoảng 1cm, không ảnh hưởng gì đến công trình Nhà hát và các công trình lân cận, trong đó điều kiện địa chất tại đây còn xấu hơn ở Hà Nội rất nhiều.
Mặt khác, trong tương lai, đoàn tàu của tuyến ĐSĐT số 2 sẽ được đưa vào vận hành trên cơ sở hệ thống kết cấu đường sắt chống rung, sử dụng vật liệu đàn hồi dẻo đỡ tà vẹt bê tông dự ứng lực, làm giảm tối đa tiếng ồn và rung động. Theo tính toán của các chuyên gia tư vấn, mức ồn và rung động ở đường sắt trong hầm sẽ nhỏ hơn 65dB, trong ngưỡng tiêu chuẩn cho phép và nhỏ hơn rất nhiều trên bề mặt đất nền; hoàn toàn không ảnh hưởng tới Tháp Bút, đền Bà Kiệu và các công trình, nhà cửa trong khu phố cổ.
Việc xây dựng đường hầm với độ sâu trên 12m, khoảng cách ngang giữa các đường hầm và Tháp Bút là 8,2m đủ để đảm bảo an toàn. Bởi với khoảng cách này, độ lún của Tháp Bút trong thời gian thi công chỉ khoảng từ 0,1 - 0,4cm, độ nghiêng mặt đất là 0,06%. Một số chuyên gia còn cho rằng, Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan chỉ quy định cắm mốc khoanh vùng khu vực bảo vệ I và II, không quy định khoảng cách theo chiều sâu bảo vệ di tích. |