Gần 28,5 nghìn người đi xuất khẩu lao động tại thị trường có tiền lương cao

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có 28.429 người lao động đi xuất khẩu lao động. Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường có tiền lương cao được nhiều người lao động lựa chọn đi xuất khẩu lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH thông tin về tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 2/2023 là 6.601 người, bằng hơn 13 lần (1.320%) so với cùng kỳ năm ngoái. Những thị trường được nhiều người lao động lựa chọn đi xuất khẩu lao động, dẫn đầu là Nhật Bản 3.470 lao động, Đài Loan 2.690 lao động, Singapore 141 lao động nam, Hàn Quốc 81 lao động nam, Trung Quốc 69 lao động nam và các thị trường khác.

Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường có tiền lương cao được nhiều người lao động lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa.
Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường có tiền lương cao được nhiều người lao động lựa chọn đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa.

Trong hai tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã có 28.429 người lao động đi xuất khẩu lao động, đạt 25,84% kế hoạch năm 2023, bằng hơn 20 lầm (2.091%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dẫn đầu là thị trường Đài Loan 14.609 lao động, Nhật Bản 12.473 lao động, Singapore 250 lao động, Trung Quốc 239 lao động, Hàn Quốc 230 lao động….

Bộ LĐTB&XH có kế hoạch, năm 2023 đưa khoảng 110.000 – 120.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để thực hiện chỉ tiêu xuất khẩu lao động này, Bộ LĐTB&XH triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 21/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, sẽ duy trì ổn định thị trường lao động nước ngoài hiện có, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nguồn, nâng cao chất lượng nguồn lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có tiền lương cao và điều kiện tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… Nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới đã được mở ra như Australia, NewZealand, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani,…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Bá Hoan, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước, có đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Lực lượng lao động sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do đó, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.