Việc cuộc xung khắc thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhằm vào Trung Quốc leo thang mức độ quyết liệt từ nấc này lên nấc cao hơn khác không còn gây bất ngờ. Nhưng việc ông Trump tại diễn đàn LHQ lớn tiếng phê phán Trung Quốc và lại còn cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ đã gây bất ngờ lớn. Tiếp sau đó, phía Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt Trung Quốc vì đã mua máy bay tiêm kích Su-35 và hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Nhưng đỉnh cao của việc gia tăng căng thẳng và đối địch của Mỹ với Trung Quốc là bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Viện Hudson, một viện nghiên cứu được coi là "túi khôn" của phe cánh bảo thủ ở Mỹ. Ông Pence không thể hiện ở trong bài phát biểu ấy quan điểm cá nhân mà trình bày thay cho ông Trump bởi chính ông Trump đã tuyên cáo trước về bài phát biểu này của ông Pence.
Báo chí và truyền thông quốc tế nhìn nhận và đánh giá bài phát biểu này của ông Pence như là "lời tuyên chiến của Mỹ với Trung Quốc". Không phải như thế sao khi ông Pence cáo buộc Trung Quốc hành động như "xâm lược quân sự" và "Trung Quốc không muốn có hòa bình". Ông Pence cho rằng sau những năm tháng cải cách và mở cửa đất nước, Trung Quốc bây giờ quay trở lại quá khứ. Ông Pence không ngại mà thẳng thừng phê phán Trung Quốc "đàn áp người theo đạo Thiên chúa" và "hủy diệt tín ngưỡng Hồi giáo".
Và ông Pence quả quyết rằng "Những gì Nga đã làm để can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ chẳng là gì hết so với những gì Trung Quốc đang làm". Thông điệp của ông Pence và phía Mỹ gửi tới Trung Quốc chỉ có thể là Mỹ sẽ còn tiếp tục làm găng hơn nữa với Trung Quốc chứ không lùi bước hay nhân nhượng Trung Quốc. Tức là xung khắc còn gia tăng với Trung Quốc và Mỹ sẽ vẫn còn tiếp tục tuần dương ở khu vực Biển Đông bất chấp vừa rồi tầu chiến của Mỹ và Trung Quốc cách nhau chỉ còn không đầy 40 mét. Mỹ và Trung Quốc đã ngừng cả đàm phán thương mại và đối thoại chiến lược định kỳ.
Tất cả những động thái ấy chỉ có thể được lý giải bằng hai nguyên do sau.
Thứ nhất, cặp bài trùng Trump/Pence hiện đang công cụ hoá toàn bộ mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc phục vụ cho cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Tác động dân tuý của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" ở đấy. Dùng đối ngoại để phục vụ đối nội cũng ở đấy. Mục đích thần thánh hóa công cụ cũng ở đấy. Kết quả cuộc bầu cử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hai người kia bởi nó có tác động rất quyết định tới không chỉ nửa nhiệm kỳ cầm quyền còn lại của họ mà còn tới cả cơ hội được tái ứng cử và triển vọng tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ. Vì thế, họ sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp, sử dụng mọi chiêu thức và chấp nhận trả mọi giá.
Thứ hai, Mỹ không còn chỉ có xung khắc thương mại thuần túy nữa với Trung Quốc mà đã chuyển sang cạnh tranh chiến lược và cọ sát lợi ích với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Mỹ chủ trương sắp xếp lại toàn bộ mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc và định hình lại toàn bộ chính sách đối với Trung Quốc. Chủ trương của cặp Trump/Pence là gia tăng áp lực tối đa đối với Trung Quốc để vừa thúc ép Trung Quốc nhượng bộ vừa làm phép thử về giới hạn của việc làm găng với Trung Quốc.
Từ đó có thể thấy là Mỹ sẽ còn tiếp tục gây hấn với Trung Quốc trong thời gian tới nhưng sẽ không để mối quan hệ song phương này đổ vỡ. Trung Quốc hiện chưa lộ ra hết những biện pháp đáp trả và chưa ngà ra hết mọi con chủ bài khác. Hai bên ý thức được rằng găng nhau có thể tiếp tục nữa nhưng không thể vượt quá giới hạn của khả năng kiểm soát tình hình. Tín hiệu hoà dịu đã bắt đầu manh nha với việc bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đi Trung Quốc và khả năng ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau dịp cùng tham dự hội nghị cấp cao sắp đến của nhóm G20 ở Argentina.