Trong tờ trình Bộ Công Thương nêu rõ, quy định này nhằm giúp việc điều hành giá điện linh hoạt, hiệu quả hơn với tình hình kinh tế vĩ mô ở từng giai đoạn. Tuy nhiên, đề xuất này rất cần phải cân nhắc kỹ.
Theo đề xuất mới của Bộ Công Thương, khi giá bán điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành thì được phép điều chỉnh tăng.
Về thẩm quyền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự quyết định việc giảm hoặc tăng ở mức dưới 5%. Bộ Công Thương có văn bản chấp thuận để EVN quyết định điều chỉnh, tăng từ 5% đến dưới 10%. Thủ tướng Chính phủ sẽ có ý kiến để EVN quyết định điều chỉnh khi tăng từ 10% trở lên hoặc ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
So với quy định trước đây, Bộ Công Thương mặc dù vẫn có vai trò chính trong điều hành giá điện, song trong đề xuất mới sẽ có thêm Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cũng có vai trò trong quá trình kiểm tra, rà soát phương án giá điện do EVN xây dựng và quá trình kiểm tra, điều chỉnh giá điện. Bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong việc đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện đến kinh tế vĩ mô để minh bạch hơn quy trình điều chỉnh giá điện.
Cũng tại Dự thảo sửa đổi Quyết định 24, Bộ Công Thương đề xuất không quy định cụ thể về việc xác định lợi nhuận định mức trong một số chi phí đã được đưa vào công thức tính giá bán điện bình quân của quyết định cũ.
Theo đó, tổng các chi phí khác chưa được tính vào giá điện, là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện, bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ được tính toán phân bổ vào giá bán lẻ điện bình quân năm. Việc này, theo Bộ Công Thương là để bảo đảm tính thống nhất, không có cách hiểu khác.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện Quyết định số 24 từ năm 2017 đến nay cho thấy, giá điện bình quân mới trải qua 4 lần điều chỉnh. Như vậy, quy định điều chỉnh giá điện 6 tháng một lần hiện vẫn chưa thực hiện được. Đó là chưa kể việc điều chỉnh phải có lên, có xuống xong giá điện mỗi lần điều chỉnh đều chỉ tăng, không giảm.
Vì lý do trên, tính khả thi của đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 3 tháng như tại Dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rất cần phải được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm phản ánh đầy đủ các yếu tố chi phí.
Theo đó, cần có cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân bảo đảm minh bạch các thông tin đầu vào, kết quả đầu ra. Từ đó, hướng đến việc điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh sát thực với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường.
Xa hơn là cần để giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, có tăng, có giảm. Việc quy định 3 tháng hay 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần không cần thiết nếu điện được điều tiết theo cơ chế thị trường.
Chính vì thế, Bộ Công Thương nên cân nhắc thay vì đề xuất này thì cần sửa đổi cơ chế chính sách để tiến đến một thị trường mua bán điện công khai, minh bạch hơn, qua đó người dân, DN có nhiều lựa chọn trong mua bán điện.