Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu tăng hơn 2% nhờ kỳ vọng thỏa thuận giảm sản lượng được gia hạn

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đi lên trong ngày 2/6 khi các thương nhân lạc quan rằng các nhà sản xuất dầu chủ chốt sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung.

Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 2/6.
Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc tại phiên giao dịch này trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi xem liệu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, có nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sâu sản lượng để cân bẳng cung cầu tại cuộc họp trực tuyến dự kiến diễn ra vào cuối tuần này hay không.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 2,3%, tương đương 88 xu Mỹ, lên 39,20 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng cộng 72 xu Mỹ, tương đương 2%, lên mức 36,16 USD/thùng.
Giá dầu Brent hiện đã tăng gấp 2 lần trong hơn 6 tuần gần đây nhờ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của nhóm OPEC+.
Tuy nhiên, cả giá dầu Brent và WTI vẫn giảm khoảng 40% kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Các nước OPEC+ đang cân nhắc kéo dài thời gian thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng toàn cầu, đến tháng 7 hoặc tháng 8/2020, tại cuộc họp trực tuyến có thể diễn ra vào ngày 4/6 tới.
Theo kế hoạch được nhất trí hồi tháng 4, việc cắt giảm sản lượng đang được OPEC+ thực hiện trong tháng 5-6/2020 sẽ thu hẹp về mức 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 - 12/2020.
“Nhiều khả năng nhóm OPEC+ có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm ở mức 9,7 triệu thùng/ngày hiện tại cho đến ngày 1/9” - ông Edward Morse, phụ trách nghiên cứu hàng hóa của Citi, nhận xét.
Trong khi đó, các nguồn tin quen thuộc với OPEC cho biết Ả Rập Saudi đang nỗ lực duy trì việc cắt giảm ở mức hiện tại đến hết năm nay.
Tuy nhiên, đà phục hồi mạnh của giá dầu đang bị hạn chế do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến luật an ninh tại Hồng Kông, cũng như dữ liệu sản xuất công bố hôm 1/6 cho thấy các nhà máy trên thế giới vẫn đang gặp khó khăn.