Vào lúc 14 giờ 08 phút (giờ Việt Nam), tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.307,7 USD/ounce.
Trước đó, vào đầu phiên, giá vàng đã từng rơi xuống 1.307,15 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 16/9.
Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) ngày 3/10 công bố số liệu cho thấy chỉ số sản xuất của nước này đã tăng từ mức 49,4 trong tháng 8 lên 51,5 trong tháng 9, vượt ngưỡng 50 phân định giữa thu hẹp và tăng trưởng.
Đây có thể được coi là một trong số ít những tín hiệu sáng cho nền kinh tế đầu tàu thế giới tại thời điểm này.
Tuy nhiên, báo cáo của ISM chỉ ra rằng trong tổng cộng 18 ngành công nghiệp được khảo sát, có tới 11 ngành báo cáo tình hình kinh doanh yếu đi, trong đó có ngành dầu khí, sản xuất gỗ, may mặc, chế tạo máy và thiết bị giao thông vận tải.
Thông tin trên đã giúp chỉ số USD, thước đo sức mạnh đồng USD so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt, tăng 0,5% trong phiên 4/10.
Việc đồng USD mạnh lên gây bất lợi cho vàng, mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh.
Ngoài ra, việc nền kinh tế lớn nhất thế giới đón nhận các tín hiệu tích cực càng mở rộng cơ hội để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy sớm lộ trình nâng lãi suất, qua đó tạo sức ép giảm đối với giá vàng, vốn được coi là kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn.
Tuy nhiên, giới chức của Fed vẫn đang tỏ ra khá thận trọng trước quyết định điều chỉnh lãi suất.
Việc thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ quốc khánh từ ngày 1-9/10 cũng khiến thị trường vàng trở nên ảm đạm hơn.