"Giai điệu tự hào tháng 5/2017" sẽ kể lại câu chuyện 9 năm kháng chiến bằng âm nhạc, với những bài ca được ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở đó, không chỉ có những gian khổ hy sinh mà còn có tình đồng chí kề vai sát cánh, sự lãng mạn cách mạng với những ký ức tuyệt đẹp rất đỗi tự hào của những người chiến sĩ vệ quốc ngày nào...
Nhạc sĩ Lê Quý Hiệp - tác giả của “Đoàn quân đi” - lấy nghệ danh là Việt Lang, nghĩa là “chàng trai đất Việt” thể hiện quyết tâm của những chàng trai trẻ khi đó. Nhà biên kịch Lê Hoàng Trâm - con gái nhạc sĩ Việt Lang - thành viên của Hội đồng bình luận kể rằng: “Bố tôi ghi lại hình ảnh thật, ý nghĩ thật của anh bộ đội Cụ Hồ - những con người làm nên lịch sử để chúng ta thấy rằng thời kỳ kháng chiến chống Pháp gian khổ thế nhưng tất cả vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai chiến thắng. Ở thời đó, không chỉ đoàn quân đi mà toàn dân cùng đi”. Trong "Giai điệu tự hào tháng 5", “Đoàn quân đi” với giọng ca Nhật Thủy được phối khí lại theo hơi hướng Blue, jazz. Cách hát rất phiêu, điệu và sang của “Thần tượng âm nhạc Việt” Nhật Thủy nhận được rất nhiều lời khen của Hội đồng nghệ thuật.
Ca sĩ trẻ Đinh Mạnh Ninh trở lại chương trình với sáng tác “Niềm thương mến” của nhạc sĩ Phan Vân. Âm nhạc và ca từ của ca khúc là những tình cảm chân thành của những người lính, là lời kêu gọi đoàn kết hỗ trợ nhau của những người xa quê đi làm cách mạng... Ca từ là hiện thực khốc liệt của cuộc chiến nhưng giai điệu lại rất nhẹ nhàng, giản dị, như thể cuộc chiến chẳng thể chạm đến tinh thần của họ.
Không màu mè, Đinh Mạnh Ninh thể hiện “Niềm thương mến” một cách mộc mạc, chân thành, phác thảo nên hình ảnh đoàn quân Nam tiến. Chính nam ca sĩ chia sẻ rằng, anh muốn hát lại ca khúc này bình dị như tâm tình, tự sự của những người chiến sĩ với nhau trên những con đường chiến dịch.
Nhạc sĩ Văn Ký - thành viên hội đồng bình luận, người từng trực tiếp tham gia kháng chiến - chia sẻ về những ngày: “Tôi đã cầm mã tấu tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền, từng lên rừng núi phục vụ những đoàn dân công, vận chuyển vũ khí, lương thực ra chiến trường với tâm thế nhất định thắng lợi, niềm hy vọng về hòa bình, về ngày mai sẽ tươi sáng”.
Trong “thuở trường chinh”, mỗi người lính khi ra mặt trận còn mang trong mình tình yêu quê hương và nỗi nhớ tha thiết quê nhà. Một nỗi nhớ mênh mang được nhạc sĩ Hồ Bắc gọi thành tên đầy trìu mến qua ca khúc “Làng tôi” (biểu diễn: Bích Ngọc và tốp ca Sao Mai). “Làng tôi” trong "Giai điệu tự hào tháng 5" được thể hiện qua giọng hát của Bích Ngọc - Á quân dòng nhạc thính phòng của Sao Mai 2015 với một bản phối mang âm hưởng của điệu swing kết hợp tiếng ghita có chút hơi hướng country, tạo nên cảm giác vừa thân thuộc vừa mới mẻ.
Tuy không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nhưng tác giả Minh Quốc đã phổ nhạc rất thành công bài thơ nổi tiếng “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, bài hát này “Tình đồng chí” có một vị trí quan trọng trong lịch sử âm nhạc. Bởi đó là bài hát đầu tiên về người lính mang màu sắc trữ tình. Sinh thời, nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương kể lại: “Khi tôi hát (bài hát Tình đồng chí), tôi thấy những hàng nước mắt chảy ròng ròng trên gương mặt của đồng đội tôi…” “Tình đồng chí” được NSƯT Tấn Minh thể hiện trong một không gian đầy trữ tình.
Điểm cuối của cuộc trường chinh 9 năm, điểm cuối của hành trình "Giai điệu tự hào tháng 5" là một ca khúc bất hủ của dòng âm nhạc cách mạng Việt Nam, bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên”, bài hát mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết và thăng hoa tới từng lời ca, giai điệu, lại như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Đây cũng chính là phần biểu diễn được ê-kip "Giai điệu tự hào tháng 5" dàn dựng công phu nhất. Người thể hiện là nhóm Bel Canto.
"Giai điệu tự hào tháng 5/2017" mang chủ đề "Thuở trường chinh" sẽ được phát sóng lúc 21 giờ 40 ngày 27/5/2017 trên kênh VTV1.