Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải mã diễn biến mới

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ có khẩu chiến trở nên gay gắt và quyết liệt như chưa từng thấy mà mối bất hoà giữa Mỹ và Iran còn diễn ra trên thực địa tại nơi khác ngoài ở vùng Vịnh.

Nhìn vào bề ngoài của những diễn biến trong thời gian vừa qua liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, cảm nhận chung chỉ có thể là căng thẳng và đối địch tiếp tục leo thang, không bên nào chịu nhượng bộ bên nào và đi bước xuống thang hạ hoả đầu tiên cũng như nguy cơ bùng phát đụng độ vũ trang, thậm chí cả chiến tranh nữa, giữa hai bên tiếp tục tăng chứ không giảm.

 Căng thẳng Mỹ - Iran ngày càng có nhiều diễn biến mới.

Không chỉ có cuộc khẩu chiến giữa hai bên trở nên gay gắt và quyết liệt như chưa từng thấy mà mối bất hoà giữa Mỹ và Iran còn diễn ra trên thực địa tại nơi khác ngoài ở vùng Vịnh. Theo yêu cầu của Mỹ, hải quân Anh đã bắt giữ một con tàu chở dầu của Iran ở ngoài khơi mỏm đá Gibraltar. Chính quyền Gibraltar đã bắt giam thuyền trưởng và sỹ quan thứ nhất của con tầu này. Ở vùng Vịnh xảy ra chuyện một con tầu chở dầu của Anh bị mấy xuồng vũ trang mà được cho là thuộc lực lượng Cận vệ cách mạng Iran tìm cách bắt giữ nhưng không thành do có sự can thiệp của tầu chiến của Anh. Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump nỗ lực củng cố và mở rộng liên quân chống Iran, vận động các nước điều động tầu chiến hộ tống những con tầu chở dầu của họ đi lại ở vùng Vịnh.

Ngày 7/7 vừa qua, phía Iran cho biết đã bắt đầu không còn tuân thủ quy định giới hạn mức độ làm giàu chất liệu phóng xạ uranium ở trong thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) mà Mỹ đã cùng ký nhưng rồi ông Trump quyết định đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi. Iran cho 5 bên khác đã cùng ký kết JCPOA là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức thời gian cho đến ngày 5.9 tới này để cùng nhau tìm cách duy trì JCPOA. Có thể thấy được từ đó là Iran coi việc từ bỏ JCPOA chỉ là sự lựa chọn cuối cùng, khi không còn có thể khác được nữa. Trên thực tế, có lợi nhất cho Iran khi dùng chính JCPOA để đối phó Mỹ.

Việc phía Anh bắt giữ tầu chở dầu của Iran ở châu Âu và việc xảy ra với tầu chở dầu của Anh ở vùng Vịnh phản ánh mối quan hệ không được tốt đẹp gì giữa Anh và Iran. Mối quan hệ này cũng luôn căng thẳng và thù địch chẳng kém gì giữa Mỹ và Iran. Xưa nay, Anh luôn là một trong những nước ủng hộ nhiệt tình nhất mọi chính sách của Mỹ đối với Iran.

Nhưng nếu nhìn vào thực chất thì lại có thể thấy cả Mỹ, Iran lẫn Anh đều đã có những hành động mà họ cho là không thể khác, nhưng đều tránh dẫn đến đụng độ vũ trang hay chiến tranh với nhau.

Các bên này đã làm găng với nhau và công khai thù địch nhau đến mức tự mình rất khó có thể cài số lùi và xuống thang căng thẳng bởi ai đi bước trước này đều sẽ bị coi là yếu thế và thất thế so với bên kia, sẽ không thể tránh khỏi bị tổn hại thể diện và uy danh. Phải có dịp thuận lợi và cớ thích hợp hay trong bối cảnh tình hình khác thì họ mới có thể đi vào hoà dịu và hoà giải với nhau.

Ông Trump cho thấy kiên định thực thi sách lược "gia tăng áp lực tối đa" đối với Iran và mới đây kêu gọi các nước điều động tầu chiến của họ hộ tống tầu chở dầu qua lại vùng Vịnh. Mục đích thực chất phía sau là răn đe cả Iran lẫn kẻ thứ ba nào khác chớ có tấn công các tầu chở dầu này. Tầu chở dầu không bị tấn công tức là an ninh hàng hải ở đó vẫn được đảm bảo và không bên nào có cớ để phát động chiến tranh.

Cứ cho là những chiếc xuồng vũ trang của Iran tìm cách bắt giữ tầu chở dầu của Anh đi thì đấy cũng là hành động trả đũa Anh mà phía Iran đã tuyên bố. Với Mỹ đã thế, với Anh thì Iran càng phải và càng muốn "ăn miếng, trả miếng". Tuy nhiên, cứ theo sự tư duy lành mạnh của lý trí thì phía Iran sẽ không liều lĩnh đến mức tìm cách bắt giữ tầu chở dầu của Anh khi nó được tầu chiến Anh hộ tống. Cho nên vụ việc xảy ra vừa rồi chỉ nhằm để giữ thể diện cho Iran với việc tạo ra tình huống bắt giữ tầu chở dầu của Anh chứ không phải theo đuổi mục tiêu thật sự là bắt giữ tầu chở dầu của Anh.

Phía Anh cũng chỉ xua đẩy những chiếc xuồng vũ trang kia chứ không nổ súng bởi ý thức được rằng nổ súng sẽ kích hoạt phản ứng dây chuyền về đụng độ quân sự cà tình hình có thể diễn biến vượt tầm kiểm soát. Phía Anh cũng không mặn mà với đề xuất của ông Trump về cử tầu chiến hộ tống tầu chở dầu đi lại ở vùng Vịnh vì ý thức được rằng Anh sẽ là mục tiêu tấn công của Iran một khi xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran.

Những diễn biến mới này vì thế đều cho thấy cả ba bên đều chủ ý không gáy chiến với nhau nhiều hơn là gây chiến với nhau.