Giải pháp tối ưu nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ chương trình Lễ hội cá tra lần thứ nhất, sáng 17/12, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức: Lễ thả tái tạo nguồn lợi thủy sản và Hội thảo nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra.

Trước đó, tối 16/12, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp (thành phố Hồng Ngự), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức khai mạc Lễ hội cá tra.

3,5 tấn cá được thả trên sông

Hoạt động thả cá được thực hiện tại khu vực bờ sông Sở Thượng - TP Hồng Ngự với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), UBND tỉnh Đồng Tháp, TP Hồng Ngự, ngành nông nghiệp và đông đảo người dân, tổ chức tôn giáo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thả cá ra sông
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thả cá ra sông

Đợt này, 3,5 tấn cá được thả, trong đó: Cá hô bố mẹ 50kg, cá tra bố mẹ 100kg, cá rô 2 tấn, cá trê giống vàng lai 20kg, cá chép giống 20kg, còn lại là cá tra giống.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, hoạt động thả cá giống là một trong những biện pháp phục hồi, tái tạo nguồn thủy sản đang bị suy giảm ngoài tự nhiên và luôn được các cơ quan Trung ương, địa phương quan tâm thực hiện hằng năm, sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, tín đồ tăng ni, phật tử.

Trong năm 2022, theo kế hoạch, trên cả nước thả hơn 53 triệu con và 150 nghìn ký cá giống vào vùng nước tự nhiên, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như: Cá trà sóc, cá thát lát cườm, cá he vàng, cá lăng, cú mú chấm đen v.v..

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời, kêu gọi chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản cho chúng ta và cho thế hệ mai sau.

Tại Đồng Tháp, trong 10 năm qua đã tổ chức thả khoảng gần 7,4 triệu con và hai ngàn ký cá giống, các loài: Cá hô, cá ét, cá mè hôi, cá cóc, cá chép, cá chạch lấu, cháy chày, cá bông lau; với số tiền quy đổi tương tương gần 2,2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Áp dụng công nghệ để nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ

Theo trình bày của lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cá tra là đối tượng nuôi chủ lực tại các tỉnh ĐBSCL như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long,... Diện tích nuôi hàng năm khoảng 5.500 6.000 ha, với sản lượng thu hoạch khoảng 1,3 triệu tấn/năm

Cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra
Cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra

Việc ứng dụng khoa học công nghệ từ sản xuất giống, thức ăn thủy sản, quy trình nuôi, quan trắc môi trường, chế biến và quản lý nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, từng bước khẳng định được vai trò quan trọng là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy, là chìa khóa giúp ngành cá tra vững bước phát triển và vươn xa trong thời gian qua.

Hiện nay cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm, hầu hết các cơ sở nằm ở vùng ĐBSCL. Các cơ sở được trang bị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Thiết bị, công nghệ SX phụ phẩm dầu cá và bột cá tra tương đối hiện đại và đồng bộ.

Úng dụng công nghệ vào chế biến tăng nhu cầu xuất khẩu
Úng dụng công nghệ vào chế biến tăng nhu cầu xuất khẩu

Tuy nhiên, Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, đa phần sản phẩm đông lạnh chiếm đến trên 97% (phi lê, nguyên con, cắt khúc, xẻ bướm. Chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều đa phần là nhưng sản phẩm còn thô, còn sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm chưa nhiều.

Năm 2021 sản xuất cá tra đạt 1,6 triệu tấn, trong đó: Xuất khẩu là 1,04 triệu tấn chiếm 65% tổng sản lượng, kinh ngạch xuất khẩu đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 8,4% so với 2020; Tiêu thụ tại thị trường nội địa là 560 nghìn tấn, chiếm 35 %. Năm 2022, xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ đô.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và nâng tỷ trọng sản phẩm. Quản trị sản xuất tốt và áp dụng các biện pháp để giảm giá thành trong toàn chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra. Nâng cao tỷ lệ nhà máy chế biến tự đầu tư vùng nuôi và liên kết chặt chẽ với cơ sở nuôi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chủ động nguồn nguyên liệu.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra điều kiện sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến sản phẩm. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCVN 02-27: 2017/BNNPTNT...

Đa phần các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng nên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi truồng, chế biến, tiêu thụ cá tra thì mới  cho nguồn lợi cá có giá trị chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu tại các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu...