Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nêu 7 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Bên cạnh vai trò và những kết quả không thể phủ nhận, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển đô thị nói chung và của Thành phố nói riêng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập, xuất phát từ các vướng mắc cả về hành lang pháp lý và trong thực tiễn; các vướng mắc trở thành rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của Thành phố" - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh khi trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII chiều nay (13/10).

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII chiều nay (13/10), tham luận về chủ đề “Đây mạnh nâng cao chất lượng công tác quy hoạch (QH), quản lý QH, triển khai chiến lược phát triển Thủ đô”, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh khẳng định: Công tác QH, phát triển đô thị luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo thông qua việc hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách; xây dựng chiến lược, kế hoạch tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các QH theo thứ tự, tầng bậc, bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng hạ tầng khung làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế, thu hút lao động, tạo công ăn việc làm. QH luôn được xác định phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quản lý phát triển đô thị và hình thành các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; cải thiện cơ bản điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò và những kết quả không thể phủ nhận, công tác QH, quản lý QH phát triển đô thị nói chung và của TP nói riêng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập, xuất phát từ các vướng mắc cả về hành lang pháp lý và trong thực tiễn; các vướng mắc trở thành rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của TP. 

Theo Giám đốc Sở, những khó khăn, vướng mắc chính đó là: Các quy định hiện hành còn có những chồng chéo, vướng mắc, bất cập được phát hiện trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa được các cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ. Một số loại hình QH thực hiện theo Luật còn chồng chéo, bất cập, khó hiểu, gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc xin ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan còn chưa nhận được sự đồng thuận, tháo gỡ, mất nhiều thời gian hoàn chỉnh, như: Quy hoạch phân khu (QHPK) Ga Hà Nội, quy chuẩn 4 quận hoặc phải chờ các QH liên quan để khớp nối, thống nhất. Đối với thủ tục chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, đã được nêu từ năm 2010 tại nghị định hướng dẫn Luật QH đô thị với yêu cầu “Bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về HTKT trong nội dung thiết kế cơ sở phải phù hợp với QHPK”. Trên thực tế, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cần được đánh giá phù hợp với QHPK, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý QH kiến trúc, cảnh quan khu vực trong quá trình thẩm định, chấp thuận. Đối với khu vực chưa có QHPK thì phải thực hiện quy trình chấp thuận tổng mặt bằng, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, song đến nay không có hướng dẫn cụ thể…

 Quang cảnh Đại hội

Bên cạnh đó, do tính chất phức tạp của các đồ án QH, đặc biệt với các QH liên quan địa giới hành chính từ 2 quận, huyện trở lên, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan thường kéo dài, nên phần lớn đồ án không đảm bảo thời gian lập QH theo quy định của Luật. Khối lượng các đồ án QH rất lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn; việc đồng thời tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các QH đô thị với khối lượng lớn và yêu cầu cao về chất lượng là một thách thức; nhiều dự án trên địa bàn phải được rà soát, khớp nối đồng bộ với các QH, dự án khác mất nhiều thời gian và khó khăn cho công tác lập, thẩm định. Trong khi, đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm, năng lực lập các đồ án QH có quy mô lớn là không nhiều, dẫn đến quá tải, không đảm bảo về tiến độ và chất lượng yêu cầu. Hơn nữa, sự đồng thuận của cộng đồng đối với một số QH chưa cao, đặc biệt QH về VSMT, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, nhà tang lễ, nghĩa trang...

Ngoài ra, về di dời các cơ quan, cơ sở giáo dục, y tế đến nay chưa có kết quả; cơ sở cũ sau khi di dời chưa được bàn giao cho TP để quản lý, khai thác sử dụng nên không bổ sung thêm được quỹ đất phục vụ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu vực. Một số đồ án QH có chủ trương mời tư vấn nước ngoài thực hiện còn gặp vướng mắc về đơn giá, định mức, kêu gọi tài trợ. Cơ chế tài chính và xã hội hóa nguồn lực lập QH cũng chưa được hướng dẫn cụ thể.

Với quá trình phát triển, kết quả chính đạt được trong lĩnh vực QH - KT, đầu tư xây dựng của TP đã báo cáo, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 và Kế hoạch 130/KH-UBND ngày 22/6/2020 của UBND TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác định phương hướng giải pháp để đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác QH, quản lý QH, triển khai chiến lược phát triển Thủ đô trong thời gian tới cần tập trung vào 6 nhiệm vụ:

Thứ nhất, xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý QH - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị trên toàn địa bàn Hà Nội.

Thứ hai, triển khai lập đồng bộ các QH báo cáo rà soát điều chỉnh QH chung xây dựng Thủ đô, nhất là các khu vực dự kiến điều chỉnh như khu vực nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, khu đô thị vành đai 4, chuỗi đô thị phía Bắc sông Hồng, các khu vực huyện có chủ trương đầu tư xây dựng thành quận; lập, trình phê duyệt QH xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; hoàn thành phê duyệt QH chung, QH phân khu; tập trung phấn đấu phủ kín quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, hoàn thiện các công cụ quản lý để nâng cao chất lượng quản lý QH, đô thị.

Thứ ba, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đặc biệt đối với các đồ án, công trình có tính chất đặc thù, quy mô lớn, các khu vực có ý nghĩa quan trọng, các đồ án có liên quan công nghệ mới lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam như mô hình đô thị nén (TOD), các quy hoạch bảo tồn có tính chất đặc thù...

Thứ tư, thực hiện đồng bộ hóa QH xây dựng với QH sử dụng đất, QH giao thông, QH mạng lưới, ngành lĩnh vực, đảm bảo công tác QH đi trước một bước để kiểm soát phát triển đô thị; bố trí quỹ đất theo QH để xây dựng nhà ở xã hội tập trung gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế, trường học...

Thứ năm, từng bước nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn, quản lý nhà nước trong nước bắt kịp với công nghệ, trình độ của các nước tiên tiến thông qua việc tăng cường trao đổi, hợp tác, nghiên cứu khoa học.

Thứ sáu, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh QH, chỉ xem xét điều chỉnh sau khi rà soát QH, đảm bảo các điều kiện điều chỉnh, đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, kết quả sau điều chỉnh phải tích cực hơn so với trước khi điều chỉnh.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường bằng cách ăng cường diện tích cây xanh, chiếu sáng tự nhiên, thông gió... cho khuôn viên lô đất và công trình xây dựng; đầu tư nghiên cứu, tổ chức cảnh quan sân vườn, tạo các không gian chơi, nghỉ ngơi giải trí.

“Để có thể thực hiện theo phương hướng, nhiệm vụ đã hoạch định, chúng tôi cũng đã đề nghị UBND TP kiến nghị các bộ, ngành T.Ư một số nội dung để có thể tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình xem xét giải quyết các công việc liên quan công tác QH, quản lý QH"- ông Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.