Giám sát Quỹ bình ổn giá: “Quả bóng” trách nhiệm

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Bộ Công Thương và Bộ Tài chính bất đồng quan điểm trong xử lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu liên quan đến 2 DN đầu mối xăng dầu vi phạm pháp luật liên quan đến quỹ này lại một lần nữa thể hiện những yếu kém, lỗ hổng quản lý, giám sát Quỹ bình ổn giá.

“Quả bóng” trách nhiệm vẫn đang được hai Bộ chuyền qua chuyền lại cho nhau, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và đời sống người dân là thực tế không thể chấp nhận được.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu; trong đó, đề cập tới hàng loạt vi phạm của DN lớn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và những vi phạm pháp luật liên quan đến việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu do liên Bộ Công Thương - Tài chính quản lý. Trong số này có 3 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên, gồm: Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức.

Kết luận thanh tra cũng chia ra, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã không có biên bản kiểm kê kho xăng, dầu khi xuất bán tại các kỳ điều hành Quỹ bình ổn giá của Bộ Công Thương, trích lập Quỹ bình ổn giá dựa trên số lượng ghi trên hóa đơn, không thực hiện trích theo số lượng hàng giao thực tế. Đồng thời các thương nhân đầu mối cũng chưa gửi thông báo tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi công ty mở tài khoản Quỹ bình ổn giá tới Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Đáng nói là thiếu quy định, quy chế phối hợp, phân công nhiệm vụ giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp (Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương) trong việc quản lý Quỹ bình ổn giá, kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định pháp luật đối với Quỹ bình ổn giá. Việc quản lý Quỹ bình ổn giá chưa đảm bảo chặt chẽ.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra bất cập trong trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý kịp thời, dẫn đến có sự đùn đẩy trách nhiệm, quản lý lỏng lẻo, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng Quỹ bình ổn giá. Cũng cần phải nhắc lại, thực tế, đây không phải là lần đầu hai Bộ Công Thương và Tài chính có những bất đồng trong quản lý Nhà nước.

Đầu năm 2023, Bộ Công Thương từng đề xuất việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính nhưng không nhận được đồng tình từ Bộ này. Vậy trách nhiệm của các nhà quản lý với vi phạm quản lý xăng dầu nói chung và Quỹ bình ổn giá xăng dầu nói riêng để ở đâu? Câu hỏi đó cần được trả lời hơn là cứ lăn “quả bóng” trách nhiệm từ chỗ này sang chỗ kia.

Dư luận cho rằng, để tăng sức răn đe, không chỉ đối với DN chiếm đoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu bị khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật mà đối với cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính) cũng phải chịu xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Không phủ nhận, Quỹ bình ổn giá giúp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu, tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Tuy nhiên, quản lý, giám sát quỹ này như thế nào để không xảy ra hành vi chiếm đoạt, gây thất thoát vẫn luôn là bài toán khó. Do đó, Chính phủ nên xem xét, cân nhắc tinh gọn đầu mối, giao toàn bộ công tác điều hành, quản lý xăng dầu cho Bộ Công Thương để rõ người, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả trong công việc; tránh được “căn bệnh” né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của hai bộ như hiện nay.