[Giằng co văn hóa thi cử xưa và nay] Bài cuối: Cần giữ - bỏ gì để giáo dục hội nhập?

Vương Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn hóa thi cử Việt có từ ngàn đời, rất nhiều nét đẹp truyền thống còn được bảo lưu cho đến giờ. Nhưng không phải nét văn hóa nào thời xưa cũng còn phù hợp với thời đại ngày nay.

Chính vì vậy, giữ - bỏ gì trong văn hóa thi cử của người Việt sẽ được các chuyên gia gợi mở trong bài viết, với mong muốn phát huy những giá trị tiêu biểu nhất, loại bỏ những hạn chế từ quá khứ cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Phát huy tinh thần hiếu học

Người Việt Nam ta thường rất tự hào về tính hiếu học hình như đã thành một truyền thống lâu đời của dân tộc. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: “Hiếu học” là một khái niệm có thể coi như làm thành một bộ phận, một chi tiết, một biểu hiện của sự khát khao tri thức rất tự nhiên của con người. Ngày xưa, ông cha ta vốn không phải vì hiếu học mà học. Họ vì ý chí làm quan mà học. Họ không còn cách nào khác để thoát khỏi cái thân phận tủi cực của kẻ nghèo hèn. Những bà mẹ, những người vợ nhịn đói, nhịn khát để nuôi chồng nuôi con ăn học thành tài, không đỗ trạng nguyên thì cũng đỗ ông nghè, ông cử, ông tú. Ông trạng, ông nghè mới được “vinh quy bái tổ”, nhưng một ông tú ít ra cũng có thể vênh mặt lên khi nghe vợ nói: “Không hay sao lại đỗ ngay tú tài?”.
 Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm 2021. Ảnh: Mạnh Cường
Và vì được cả làng trọng vọng: Một ông đồ đi thi nhiều phen không đỗ, đành từ bỏ tham vọng khoa bảng ở nhà gõ đầu trẻ, cũng vẫn được dân làng trọng vọng với tư cách một người thầy của con cái họ, niềm hy vọng cho tương lai của gia đình họ. Và họ cũng biết phân biệt tài năng với vận may: “Học tài thi phận”. Nhưng tài năng và ý chí vẫn là những cơ sở vững chắc của một tương lai đáng cho người dân mơ ước, và vẫn đáng được trọng vọng. “Tính hiếu học không phải là một đức tính cố hữu của người Việt, nhưng kể từ một thời đại nào đó nó, do chính những yêu cầu có thể là rất ích kỷ của giai cấp thống trị, nó đã trở thành một truyền thống, vì nó được toàn xã hội đồng nhất với những niềm hy vọng tốt đẹp nhất của con người” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nhấn mạnh.

Ngay trong thời Pháp thuộc, cái truyền thống hiếu học vẫn được giữ vững, bất chấp những ý đồ nô dịch của chủ nghĩa thực dân. Các nhà giáo của ta đều biết lợi dụng những yêu cầu thiển cận của chế độ thuộc địa và, một mặt dựa trên truyền thống hiếu học của dân tộc, một mặt đề cao những yếu tố nhân đạo và dân chủ của nền văn hóa Pháp, ra sức mở mang dân trí đến mức tối đa theo hướng hiện đại hóa và dân chủ hóa.

Từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, những triển vọng lớn lao đã mở ra trước mắt nền giáo dục của Nhân dân ta, và truyền thống hiếu học có được những điều kiện thuận lợi chưa từng thấy để được phát huy lên đến những đỉnh cao mà trước kia không có ai dám hình dung. Cửa nhà trường được mở rộng cho tất cả, và dĩ nhiên các trường đều nhanh chóng chuyển hẳn sang một nền giáo dục mới - nền giáo dục của một dân tộc độc lập. Tinh thần hiếu học của ông cha ta vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay. Người nước ngoài, nhất là ở các nước không phải là Nga hay Đông Âu, cũng rất sẵn sàng thừa nhận đức tính cần cù hiếu học của dân ta. Những giải thưởng quốc tế mà học sinh ta giành được có thể làm cơ sở cho điều này.

Công thức, giáo điều là “bệnh” cần chữa

Với mục đích chọn người làm quan nên thi cử thời xưa đi vào con đường mòn giáo điều, công thức. Sĩ tử phải thuộc lòng kinh sách, nên mới có câu: “Thi thiên, phú bách, văn sách ngũ thập” (tức thuộc nghìn bài thơ, trăm bài phú, năm mươi bài văn sách là có thể thi đỗ). Ngày nay, thi cử tiến bộ và khoa học hơn rất nhiều nhưng vẫn thấy ảnh hưởng lạc hậu xưa còn rơi rớt, rõ nhất là trong việc thi tuyển vào đại học. Đó là áp lực phải thi đỗ của gia đình và chính thí sinh. Mặt tích cực là thể hiện tinh thần hiếu học truyền thống, nhưng mặt tiêu cực là gây ra sự căng thẳng trong sinh hoạt và tâm lý. Lẽ ra ngày thi phải có tâm trạng thoải mái nhất thì có thí sinh lại bị ốm hoặc stress vì quá lo lắng. Trong khi đó, để phù hợp với cuộc sống công nghệ hiện đại mà trên thế giới hiện nay đang có xu hướng coi việc vào đại học chỉ là một, còn rất nhiều những cánh cửa khác để người ta bước vào đời, như học nghề, đi làm, tự học...
Ngoài ra, mặt hạn chế còn rơi rớt từ nền giáo dục xưa của người Việt là lối học thuộc lòng, công thức thiếu sáng tạo. Rất nhiều thí sinh chăm chăm việc “thuộc bài” trong khi chương trình và đề thi luôn khuyến khích sáng tạo. Muốn sáng tạo phải hiểu bản chất vấn đề. Hiểu tức là đã thuộc. Học vẹt thì vừa mất thời gian vừa không có kiến thức.

Sự giáo điều công thức trong thi cử ngày nay được PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) chỉ ra từ con số nghiên cứu thực tế: “Chúng tôi đã nghiên cứu việc học trong 1 năm học của học sinh lớp 6, lớp 7 ở một số trường THCS ở Hà Nội và một số thông tin thu nhận được là học sinh phải chịu áp lực lớn bởi thi cử: Phải tham gia kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ do nhà trường tổ chức. Mỗi lần thi như vậy, giáo viên thường giao đề cương để ôn luyện trước từ 2 - 4 tuần. Ngoài đề cương ôn luyện, mỗi bài học đều kèm theo phiếu bài tập do giáo viên giao về nhà. Học sinh sẽ rất phấn khởi nếu trúng đề và có tâm lý tiêu cực khi không trúng đề” - PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Một thông tin nữa cũng đáng quan tâm, theo bà Chu Cẩm Thơ, đó là ngày nay có quá nhiều cuộc thi quốc tế, thi tài năng để mọi học sinh đều có thể tham gia, dẫn đến có những học sinh lớp 5 đã tham dự hơn 10 cuộc thi; hay có những gia đình dành cả vài ngàn đô để đóng “lệ phí” cho con tham dự các cuộc thi. Để rồi rất nhiều phụ huynh và học sinh phải rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang vì tham gia những kỳ thi đó. Đó là hậu quả của nền giáo dục trọng bằng cấp, trọng thi cử.

"Những năm gần đây nhiều nghiên cứu đã thu thập dữ liệu để giải thích hiện tượng: có những nước nền kinh tế chưa thực sự phát triển - như Việt Nam, nhưng xếp thứ hạng cao trong các kỳ đánh giá học sinh quốc tế. Chúng ta có thể tự hào về thành tích đó, nhưng cũng có thể giật mình khi biết những thông tin sau: Số giờ học thực tế của học sinh Việt Nam rất nhiều, số tiền đầu tư cho việc học (so với GDP đầu người) cũng không hề nhỏ; trong khi những hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật, hay kỹ năng/năng suất lao động của giới trẻ thì chưa cao…

Không ít nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, dành quá nhiều thời gian học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ những cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống là điều rất đáng tiếc cho người học nói riêng và cho quốc gia trong tương lai nói chung." - Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) - PGS.TS Chu Cẩm Thơ


"Dưới thời Pháp thuộc, thi cử chưa nặng nề như bây giờ và chỉ đụng đến một bộ phận rất nhỏ người dân mà nhà thơ Xuân Diệu đã than: “Hết nạn thi rồi, đến nạn thi/ Than ôi! Khổ lắm học làm gì/ Mấy chồng sách nát, khô như đá/ Ruộng lúa đồng quê, ta cứ đi...”. Ngày nay quả là hết nạn thi rồi đến nạn thi: Ở các thành phố lớn, học sinh còn thi vào lớp một, thi vào cấp THCS, vào trường chuyên lớp chọn; học sinh hết cấp THCS thi vào THPT, thi vào trường chuyên của Bộ, của tỉnh; một mùa Hè nóng bỏng càng nóng thêm vì lắm cuộc thi.

Theo tôi, kỳ thi đại học dần dần cũng nên cải tiến bằng cách các trường cho học sinh đăng ký vào học dễ dàng nhưng lại phải siết chặt đầu ra. Vào học một năm, tổ chức thi do trường tiến hành, ai học không đảm bảo các học phần, tín chỉ bắt buộc và thi không đạt sẽ loại ngay; không để tình trạng như ngày nay thi tuyển vào thì khó nhưng vào rồi quá dễ dãi, được thả lỏng, để sinh viên hư hỏng, học không nên, gây thiệt hại, lãng phí cho các em, gia đình và xã hội! Hãy xem lại thời đầu trong thời kỳ chống Mỹ, có thi tuyển vào đại học đâu, thế mà sinh viên các trường đại học đều học tốt (tất nhiên có một số ít không theo được đã chuyển khoa, chuyển trường, hoặc xin về nhà sản xuất), những sinh viên tốt nghiệp thời ấy đều trở thành người cán bộ giỏi, người trí thức tốt." - Nhà giáo Hoàng Kỳ (Nghệ An) (Linh Anh ghi)