Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%
Ngày 23/10, Đoàn Giám sát số 03 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy tại Sở LĐTB&XH Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái báo cáo kết thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy. Theo đó, hiện nay, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức, sắp xếp lại 21 trường trung cấp, cao đẳng công lập (11 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp) thành 19 trường thuộc TP (10 trường cao đẳng, 09 trường trung cấp).
Giai đoạn 2021 - 2022, trung bình mỗi năm các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Hà Nội tuyển sinh đào tạo 237.000 lượt người, đạt 103,04% chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 06-CTr/TU, đạt 106,61% so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 - 2022. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được DN tuyển dụng 100%
Kết quả tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc và chất lượng nguồn nhân lực đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục hàng năm, đạt từ 71,1% năm 2021 lên 72,23% năm 2022; phấn đấu đạt 73,2% năm 2023. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ tăng từ 50,2% năm 2021 lên 52,5% năm 2023 (tăng 2,3%).
Công tác phối hợp giữa các cơ sở GDNN và DN được triển khai tích cực. Từ năm 2021 đến nay các cơ sở GDNN đã hợp tác với gần 3.000 lượt DN với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng.
Về đầu tư trường chất lượng cao, hiện nay, TP có 2 trường (Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) đã được phê duyệt đầu tư là trường chất lượng cao. TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là trường chất lượng cao.
Đối với đầu tư nghề trọng điểm, TP Hà Nội 16 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc TP được lựa chọn 29 nghề trọng điểm. Từ năm 2021 đến nay, các trường đã tuyển sinh 18.932 học sinh, sinh viên các ngành, nghề trọng điểm. Đã có 15.194 học sinh, sinh viên tốt nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp đạt 95 – 100%.
Thực hiện công tác giải quyết việc làm, trong giai đoạn 2021 - 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 TP giải quyết việc làm cho 553.903 người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 658 phiên giao dịch việc làm với 18.925 đơn vị, DN tham gia. Tổng số lao động được phỏng vấn là 126.531 lao động và đã có 46.440 lao động được tuyển dụng tại phiên.
Mọi chính sách đều hướng về người dân
Tại buổi giám sát, đại diện các cơ sở GDNN đã báo cáo với Đoàn giám sát về những vướng mắc trong quá trình thực hiện đào tạo nghề và kiến nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội mở rộng hỗ trợ các đối tượng tham gia học nghề (hiện nay mới có học sinh tốt nghiệp THCS được hỗ trợ khi đi học nghề); kiến nghị TP Hà Nội xin được quyền quyết định mở một số ngành nghề GDNN phù hợp với điều kiện Thủ đô; tiếp tục đầu tư cho đào tạo nghề. Các thành viên trong Đoàn giám sát đề xuất tổ chức đào tạo nghề cho nông dân chuyển đổi nghề nghiệp; các trường nghề quan tâm tới đào tạo ngoại ngữ; đẩy mạnh hướng nghiệp nói chung; rà soát đánh giá về nhu cầu sử dụng lao động, các nhóm ngành mục tiêu trong từng giai đoạn.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong – Trưởng đoàn giám sát ghi nhận kết quả ngành LĐTB&XH Hà Nội đạt được trong bối cảnh 2 năm dịch Covid-19. “3 năm qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội rất nỗ lực cố gắng trong lĩnh vực an sinh xã hội của TP đi trước và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, kịp thời, đúng với vai trò vị thế của Thủ đô. Đây chính là thể hiện bản chất của chế độ XHCN, mọi chính sách đều hướng về người dân, dân thụ hưởng. Chuẩn nghèo của TP cao hơn chuẩn quốc gia, mức hỗ trợ của TP rộng, có thêm những chính sách đặc thù. Đào tạo và giải quyết việc làm theo yêu cầu và nhu cầu của thị trường lao động” – Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động trên lĩnh vực của Sở LĐTB&XH Hà Nội trong Chương trình 06 góp phần làm cho kết quả của chương trình khá toàn diện, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng thống nhất với Sở LĐTB&XH Hà Nội về nhận thức một số định hướng lớn trong công việc. Cùng với việc đề nghị Sở LĐTB&XH Hà Nội rà soát lại 6 nhiệm vụ được giao trong Chương trình số 06-CTr/TU, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở này xây dựng 3 đề án. Đó là: Đề án Phát triển thị trường lao động; Đề án về phát triển hệ thống các trường nghề trên địa bàn TP; Đề án Nghiên cứu định hướng quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị Sở LĐTB&XH Hà Nội nghiên cứu thật kỹ dự thảo Luật Thủ đô và tổng hợp những vấn đề liên quan đến ngành để có ý kiến góp ý; đề xuất đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường lao động của Hà Nội. “Rất cần có đề án hợp tác quốc tế trong vấn đề hợp tác lao động, trong đó có dạy nghề và hướng nghiệp” – Trưởng đoàn giám sát nói.
Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và góp ý của các thành viên đoàn giám sát, nhà trường. Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ cùng các cơ sở GDNN, đơn vị có đánh giá tổng thể và tham mưu có lộ trình. Qua đó để lãnh đạo TP Hà Nội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo công tác an sinh xã hội của TP nói chung và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, GDNN trong thời gian tới.
Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 311 cơ sở GDNN, cơ sở có hoạt động GDNN có đăng ký hoạt động GDNN. Giai đoạn 2021 - 2022, các cơ sở GDNN trên địa bàn TP thực hiện tuyển sinh đào tạo 474.393/445.000 lượt người.
Chất lượng GDNN Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Theo thống kê, điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2021, chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội đạt 7,64 điểm, đứng thứ Nhất toàn quốc. Năm 2022, Chỉ số đào tạo lao động đạt 7,51 điểm, đứng thứ Ba toàn quốc.