Gìn giữ nét văn hoá khi từ làng lên phố

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lộ trình phát triển của Thủ đô, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có năm huyện phát triển thành quận. TP đã có những giải pháp để giữ gìn hồn cốt của nếp làng khi lên phố; đồng thời kiến tạo những giá trị mới của văn minh đô thị tại những ngôi làng.

Dự báo những thay đổi

Theo lộ trình, năm 2023, huyện Đông Anh và Gia Lâm sẽ trở thành hai quận mới của Thủ đô. Ở những địa bàn sắp lên phố, có một xu hướng đang diễn ra khi những mặt trái văn hoá của của thành thị được đưa về. Nhưng với những sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống, tại huyện có lộ trình lên quận, chính quyền đã có những giải pháp đã hài hoà giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Lễ hội Đình Trường Lâm. Ảnh: Lại Tấn.
Lễ hội Đình Trường Lâm. Ảnh: Lại Tấn.

Nhận rõ thách thức này, từ năm 2017, huyện Đông Anh đã ban hành đề án bảo tồn, phát huy giá trị các bộ môn văn hóa, thể thao truyền thống; Ðại hội Ðảng bộ huyện Ðông Anh khóa 29 xây dựng Chương trình số 04 về phát triển văn hóa, xây dựng người Ðông Anh thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị giai đoạn 2020-2025. Ðây là những cơ sở quan trọng để cả hệ thống chính trị của huyện cùng vào cuộc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống. Song song với đó là xây dựng hạ tầng văn hóa. Năm 2022, Huyện ủy tiếp tục xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề số 250 với mục tiêu "5 có, 3 không", trong đó yêu cầu các thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa.

Kế thừa, phát triển, hài hòa các yếu tố truyền thống và hiện đại, Đông Anh đã ban hành bộ Tiêu chí hợp nhất là bộ Tiêu chí xã thành phường với xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám: Bên cạnh việc làm tốt công tác quy hoạch, huyện sẽ tập trung quản lý tốt quy hoạch, kiên quyết không điều chỉnh quy hoạch, nhất là quỹ đất dành cho giáo dục, văn hóa, y tế để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa không xảy ra tình trạng quá tải.

Cổng Hầu ở ngõ 530 Thụy Khuê là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, sở hữu nét đẹp cổ kính. Ảnh: Duy Khánh.
Cổng Hầu ở ngõ 530 Thụy Khuê là lối dẫn vào làng An Thọ xưa, sở hữu nét đẹp cổ kính. Ảnh: Duy Khánh.

Tại huyện Gia Lâm, thời gia qua, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân cũng triển khai các biện pháp gìn giữ văn hóa làng quê là xây dựng văn minh đô thị, triển khai quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trong đó, cuộc thi "Giữ gìn ngõ phố, xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp" do TP phát động được triển khai đến đến tất cả các thôn làng.

Tuy nhiên, trong lộ trình “từ làng lên phố” cũng có không ít khó khăn. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt: Việc gia tăng dân số cơ học trên địa bàn huyện nhanh (hình thành các khu đô thị lớn như Ocean Park, khu đô thị Đặng Xá) dẫn đến nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học gặp nhiều khó khăn; các thiết chế văn hoá cơ sở chưa phát huy hết giá trị; nếp sống văn minh đô thị tại một số địa phương chưa bền vững…

Dự báo trước khó khăn

Từ thực tế trên đòi hỏi các huyện có lệ trình phát triển thành quận cần nỗ lực hơn nữa. Khi làm việc với huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã phân tích, huyện có hạn chế về hạ tầng giao thông; tốc độ đô thị hóa không theo quy hoạch làm gia tăng dân số cục bộ ở một số địa bàn, gây ra gánh nặng cho hạ tầng kỹ thuật của huyện; hạ tầng văn hóa, giáo dục còn hạn chế, nên đời sống văn hóa tinh thần còn khó khăn, chênh lệch.

Do đó, Thanh Trì cần dự báo việc gia tăng quy mô dân số khi lên quận, bởi việc lên quận sẽ tác động đến việc phân bổ dân cư, văn hóa, lối sống, nhất là các làng cổ. Ngoài ra, với truyền thống, bản sắc văn hóa đặc sắc của mình, huyện phải nghiên cứu để giữ gìn và phát huy, từ đó, tạo sự gắn kết cộng đồng.

Trong buổi làm việc với huyện Gia Lâm, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đề nghị huyện Gia Lâm trong quá trình phát triển lên quận cần giữ gìn được bản sắc văn hoá của địa phương.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền cũng như toàn dân về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững đất nước. Xác định nhiệm vụ phát triển văn hoá văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị.

Thời gian qua, vấn đề gìn giữ được cảnh quan, hồn cốt của quê hương khi đô thị hóa luôn là vấn đề được TP quan tâm. Xây dựng, hình thành những nếp sống văn minh đô thị không phải là việc làm một sớm, một chiều. Nhưng lộ trình đó có thể được rút ngắn lại, khi các địa phương biết tận dụng, phát huy nền tảng văn hóa tốt đẹp của làng quê.