Tắc đầu ra
Ngành VLXD hàng năm đóng góp gần 7% GDP của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình thị trường bất động sản trong nước trầm lắng, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của ngành VLXD. Các thị trường xuất khẩu VLXD chủ đạo như Trung Quốc, Đông Bắc Á hay Đông Nam Á đều giảm mạnh. Một số sản phẩm hàng hóa VLXD sản xuất trong nước đối mặt với cạnh tranh gay gắt bởi hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.
Với xi măng, trong 10 tháng năm 2023, cả nước tiêu thụ được khoảng 72,4 triệu tấn, thấp hơn 4,35% so với cùng kỳ năm ngoái; còn xuất khẩu giảm 2%. Hiện 8 dây chuyền, tương đương 9% tổng số dây chuyền sản xuất xi măng trên cả nước đã ngừng hoạt động để giảm lượng tồn kho.
Sản xuất thép trong 9 tháng cũng giảm 21,6%, tiêu thụ giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Với gạch ốp lát, trong 10 tháng, sản lượng chỉ đạt khoảng 47% so với tổng công suất thiết kế, trong khi tiêu thụ bằng 67% so với sản lượng sản xuất. Lượng bê tông cũng giảm 14%.
Nhiều DN chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn có thể kể đến như giá cả năng lượng, giá các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics, thuế xuất khẩu cũng tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường giảm. Thị trường bất động sản đóng băng, dự án mới được triển khai rất ít, ảnh hưởng rất lớn tới đầu ra của ngành VLXD. Các dự án xây dựng bằng vốn đầu tư công có tiến độ giải ngân và triển khai chậm hơn kế hoạch. Việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất còn nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng cao. Đặc biệt, tình trạng nợ đọng kéo dài đang “bào mòn” nguồn lực.
Nhiều giải pháp kích cầu
Theo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh đầu tư công, tăng tốc các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Đây là những giải pháp tích cực kích thích thị trường VLXD sôi động trở lại.
Với chính sách hỗ trợ thuế và tín dụng, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 cho phép tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clanhke, giảm thuế suất thuế xuất khẩu clanhke về 0% đến hết năm 2025; giảm thuế xuất khẩu và có cơ chế khuyến khích khác cho DN sản xuất VLXD có chế biến sâu… Cùng với đó, thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu VLXD, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa VLXD.
Ông Lê Văn Kế - Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, việc hệ thống hóa cơ sở dữ liệu vật liệu phục vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực VLXD là cần thiết. Hiện nay, có 5 loại vật liệu được tổ chức hệ thống hóa cơ sở dữ liệu là xi măng, gạch ốp lát, đá ốp lát, kính xây dựng, vôi công nghiệp. Vì vậy, rất cần bổ sung dữ liệu về vật liệu xây truyền thống cũng như sản lượng tiêu thụ các loại vật liệu. Đây là số liệu phản ánh hiệu quả hoạt động của DN và đánh giá diễn biến thực tế của thị trường. Từ đó có giải pháp điều tiết, quản lý thị trường VLXD một cách hợp lý, hiệu quả.
Nhu cầu quản lý hiện trạng sản xuất VLXD và các mỏ khoáng sản VLXD ở nước ta là rất lớn. Do đó, dự án hệ thống hóa cơ sở dữ liệu vật liệu phục vụ quản lý Nhà nước đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống quản lý bằng phần mềm trực tuyến, bảo đảm quản lý thống nhất xuyên suốt từ T.Ư xuống địa phương, giám sát việc thực hiện quy hoạch sản xuất và khai thác khoáng sản VLXD.
Thạc sĩ Đào Thái Dũng - Viện Vật liệu xây dựng