Ngành vật liệu xây dựng: Khai thác tiềm năng sân nhà

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xây dựng trong thời kỳ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, vai trò của vật liệu và công nghệ ngày càng quan trọng.

Hàng loạt sản phẩm mới

Triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2023 lần 3 diễn ra từ ngày 29/11 - 3/12 với quy mô gần 1.700 gian hàng tham gia của hơn 450 DN trong và ngoài nước, trong đó có 286 DN trong nước, 107 DN liên doanh, 63 DN và tập đoàn nước ngoài đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản…

Một gian hàng tại triển lãm Vietbuild Hà Nội 2023 lần thứ 3. Ảnh: Thành Luân
Một gian hàng tại triển lãm Vietbuild Hà Nội 2023 lần thứ 3. Ảnh: Thành Luân

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, những gian hàng đến với triển lãm đã trưng bày các sản phẩm đa dạng và phong phú của ngành bất động sản, trang trí nội ngoại thất, xây dựng, vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các DN vật liệu xây dựng đã đem đến triển lãm hàng loạt công nghệ mới, được đầu tư nghiên cứu kỹ càng, đặc biệt là phù hợp với khí hậu của nước ta. Có thể kể đến các sản phẩm ván sàn mang thương hiệu S-Queen của Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển Thương mại Trường Vinh có chất liệu chủ yếu gồm 65% là bột đá, 35% là bột nhựa nguyên sinh. Các chất liệu phụ gia dùng trong sản phẩm đều được bảo đảm chất lượng.

“Môi trường khí hậu nồm ẩm của Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc đã đặt ra bài toán khó khi sử dụng ván sàn. Loại sàn nhà sử dụng gạch men hay “đổ mồ hôi” vào thời tiết nồm, dễ gây trơn trượt. Ván sàn chất liệu gỗ khi gặp thời tiết nồm ẩm thì dễ hút nước, sang tới mùa Hè gặp thời tiết nắng nóng dễ cong vênh… Do đó, chúng tôi mang đến giải pháp là ván sàn được kết hợp giữa bột đá và bột nhựa, khắc phục các nhược điểm của 2 loại ván sàn trên” - đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển Thương mại Trường Vinh cho biết.

Giám đốc điều hành kinh doanh Công ty CP Đồng Tâm (Dongtam Group) Võ Quốc Huy chia sẻ, trong khuôn khổ triển lãm lần này, DN trưng bày đồng loạt các bộ sưu tập mới được ra mắt trong năm 2023. Trong đó, gạch kích thước lớn đa dạng 80x80cm, 100x100cm, 60x120cm được áp dụng công nghệ mực in tiên tiến mang đến hoa văn vân gỗ thật như nguyên bản, đồng thời khắc phục được các hạn chế của gỗ tự nhiên như dễ bắt cháy, cong vênh, co ngót… "Các sản phẩm trong bộ sưu tập của chúng tôi không chỉ ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, tạo nên hoa văn vân gỗ thật như nguyên bản mà còn thân thiện môi trường, tính kháng khuẩn cao và mang đến không gian trầm ấm, sang trọng” - ông Võ Quốc Huy cho hay.

Có thể thấy, triển lãm quốc tế Vietbuild Hà Nội 2023 đã và đang góp phần vào việc hỗ trợ các DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, kết nối giao thương, cung cầu, kết nối công nghệ trên nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số... đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.

Xu hướng vật liệu xanh

Trong khuôn khổ triển lãm Vietbuild có thể thấy xu hướng chung của thị trường vật liệu xây dựng thời gian tới sẽ tập trung khai thác tiềm năng trong nước. Nhiều DN nước ngoài đã rất nhạy bén tiếp thị và chào hàng các sản phẩm về vật liệu mới, hóa chất xây dựng đương đại. Bản thân các DN trong nước cũng đã tiếp cận được những công nghệ sản xuất vật liệu tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả trong điều kiện xây dựng ở nước ta.

Bà Đỗ Linh Chi - đại diện Công ty TNHH MVC & CO cho biết, với việc thị trường đang ấm dần lên, nhiều công trình sẽ được cấp phép trở lại, góp phần đưa ngành vật liệu, xây dựng phục hồi cùng với xu hướng ưu tiên sử dụng vật liệu xanh. "Hiện nay, chúng tôi đã có những đơn xây dựng nhà lắp ghép khung thép, tiện lợi và tiết kiệm hơn so với các phương thức xây nhà bê tông cốt thép, xây tường gạch truyền thống và hạn chế tối đa phát sinh khí thải" - bà Linh chi chia sẻ.

KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn xây dựng COVIC nhìn nhận, các vật liệu mới ra đời có sự ưu việt về tính năng chống chịu, thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới. "Với tình hình kinh tế trong nước chưa nhiều khởi sắc, giới KTS cũng như DN xây dựng khi thiết kế cũng không thể nhập khẩu các loại vật liệu và công nghệ thông minh đắt đỏ. Do đó, đây cũng là lợi thế cho ngành vật liệu xây dựng trong nước để cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường nội địa" - KTS Ngô Tâm chia sẻ.

Thống kê của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải các bon và 40% chất thải rắn xây dựng. Vì vậy, yêu cầu giảm phát thải, sử dụng tiết kiệm năng lượng là đòi hỏi cấp thiết. Theo TS Trịnh Minh Đạt – Viện Vật liệu xây dựng, việc phát triển vật liệu xây dựng tính năng cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là cơ sở cho kiến trúc hiện đại phát huy tính sáng tạo.

 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo điều hành kịp thời, quyết liệt rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Đây là điều kiện, cơ hội hết sức thuận lợi để các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi thị trường bất động sản và kinh tế - xã hội cả nước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh