Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gỡ vướng để giảm dần chăn nuôi trong khu dân cư khi xã lên phường

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Trong lộ trình từ năm 2023-2025 huyện Gia Lâm phấn đấu trở thành quận, các xã thành phường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hộ dân chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn, vẫn có tổng đàn lớn. Huyện đề nghị UBND TP có cơ chế rõ ràng khuyến khích các hộ chuyển đổi để đảm bảo thu nhập.

Chủ động chuyển dần cơ sở chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội và một số sở, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách của Trung ương và TP về phát triển nông nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2019-2022, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết: Theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP, huyện Gia Lâm có 2 thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi. UBND huyện đã tuân thủ đảm bảo quy định của Bộ NN&PTNT.

Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát và UBND huyện Gia Lâm ngày 28/3
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn giám sát và UBND huyện Gia Lâm ngày 28/3

Theo lộ trình, giai đoạn 2023-2025, huyện Gia Lâm phấn đấu trở thành quận, các xã trở thành phường, theo quy định trên thì các phường của các quận thuộc TP không được phép chăn nuôi. Xác định khi lên quận thì chăn nuôi chưa thể hết được mà sẽ  từng bước giảm dần. Do vậy, UBND huyện đã chủ động chỉ đạo các xã giảm dần tổng đàn và chuyển dần những trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư đảm bảo quy định. Trong năm 2021-2022, UBND huyện đã chấp thuận về chủ trương lập phương án quy hoạch 4 khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích 19,25ha tại các xã Phù Đổng (2,22ha), Lệ Chi (9,23ha), Kim Sơn (4,8kg), Dương Quang (3ha).

Từ năm 2019-2021 huyện đã hỗ trợ các hộ xây dựng bể biogas; hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi bò sữa cho 249 ở các xã Phù, Phú Thị, Văn Đức, Dương Hà, Phù Đổng, Cổ Bi với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học và hỗ trợ chế phẩm sinh học cho 135/200 hộ tại các xã chăn nuôi Phù Đổng, Dương Hà, Trung Mầu, Phú Thị với kinh phí 77,5 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng báo cáo tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng báo cáo tại buổi làm việc

Cần cơ chế, chính sách khuyến khích giảm chăn nuôi

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, để thực hiện quy định các phường của các quận thuộc TP không được phép chăn nuôi trên thực tế rất khó thực hiện, do năm 2023 chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp cơ bản ổn định (trong đó 4 xã Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong Đề án của TP). Ngoài ra có Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn. Chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình ở đây, nên việc dừng ngay chăn nuôi là rất khó khăn.

Nêu thực tế tình hình tại địa phương, đại diện UBND xã Văn Đức cho biết, xã có định hướng quy hoạch mô hình kinh tế tuần hoàn, trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Xã muốn chuyển chăn nuôi ra khu vực xa dân cư với quy mô theo hộ gia đình với diện tích 1.000m2. Tuy nhiên, hiện có khó khăn do liên quan đến Luật Đê điều, Văn Đức có đất hoàn toàn ngoài vùng bãi nên không thực hiện được mô hình kinh tế tuần này này.

Đại diện UBND xã Văn Đức nêu một số vướng mắc trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn giữa trồng trọt với chăn nuôi trên địa bàn
Đại diện UBND xã Văn Đức nêu một số vướng mắc trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn giữa trồng trọt với chăn nuôi trên địa bàn
 

Liên quan đến những nội dung mà xã, huyện đề xuất, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, theo quy hoạch huyện Gia Lâm chỉ có 3 thị trấn, nếu phát triển thêm thì phải bổ sung, sửa đổi nội dung Nghị quyết 02. Với 2 thị trấn hiện tại, nếu có cơ chế, chính sách hỗ trợ thì đến 31/12/2023 mới có cơ chế. Vì vậy, 2 thị trấn này nếu còn chăn nuôi đề nghị huyện tích cực di dời để có cơ chế hỗ trợ.

Với đề xuất về cơ chế đặc thù cho cùng sản xuất nông nghiệp nằm ngoài bãi sông Hồng, theo Phó giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay TP có 20 nghìn ha đất bãi, là nguồn lực lớn. Tuy nhiên vướng mắc là làm gì phải thoả thuận với Bộ NN&PTNT. Nội dung này Sở NN&PTNT đã tham mưu. bổ sung vào Luật Thủ đô để tháo gỡ vướng mắc.  

Đối với xã Phù Đổng, theo đại diện UBND xã, trên địa bàn xã hiện có trên 2.000 con trâu, bò. Nếu lên quận mà thực hiện ngay dừng chăn nuôi ngay theo Nghị quyết 02 của HĐND TP rất khó mà phải thực hiện từng bước. Bên cạnh đó, phải có cơ chế cho người dân có điểm chăn nuôi, duy trì phát triển kinh tế. Vì vậy, đại diện UBND xã Phù Đổng đề xuất TP quan tâm tới nội dung này để thời gian tới triển khai hiệu quả.

Trước thực tế đó, UBND huyện Gia Lâm đề nghị UBND TP cho trang trại, cơ sở chăn nuôi tồn tại và từng bước giảm dần chăn nuôi trong khu dân cư. Đối với những trang trại, cơ sở chăn nuôi này phải có chính sách, cơ chế rõ ràng để khuyến khích các hộ chuyển đổi khi lên quận để họ có nguồn thu nhập đảm bảo an sinh.

Đồng thời, có cơ chế chính sách đặc thù cho vùng sản xuất nông nghiệp nằm ở ngoài bãi sông, trong không gian thoát lũ để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt và các công trình phục vụ chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư đảm bảo theo quy định tại Thông Tư 23/2019/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị, đề xuất của huyện Gia Lâm, đồng thời khẳng định sẽ tổng hợp, tham mưu cho HĐND TP xem xét, ban hành chính sách kịp thời đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.