Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Grab phải bồi thường trên 4,8 tỷ đồng cho Vinasun

BÀI, ẢNH: TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đó là phán quyết của HĐXX tòa sơ thẩm vụ hãng Taxi Vinasun kiện GrabTaxi. Ngoài ra HĐXX cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét chỉnh sửa lại Đề án 24 cho phù hợp thực tế, Bộ Tài chính cần quản lý chặt giá cước theo quy định, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cần kiểm tra Grab có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN cho 175.000 lao động hay không.

Grab vốn 20 tỷ, lỗ tới 1.726 tỷ!

Ngày 28/12, HĐXX phiên sơ thẩm TP Hồ Chí Minh tuyên án vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

Đơn kiện của vinasun cho rằng Grab hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT. Từ hành vi vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại trên 41,2 tỷ đồng cho Vinasun. Từ đó Vinasun yêu cầu Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số tiền nêu trên. Tuy nhiên Grab cho rằng mình chỉ là công ty chuyên cung cấp công nghệ, giao dịch ứng dụng điện tử, cung cấp công nghệ miễn phí cho khách hàng, không hoạt động kinh doanh vận tải taxi và đã được Bộ GTVT chấp thuận.

HĐXX nhận định về tính pháp lý tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu do Sở KH-ĐT TP Hồ Chí Minh cấp ngày 14/2/2014, cũng như điều lệ của Công ty TNHH GrabTaxi thể hiện trong các ngành nghề kinh doanh có vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt) cùng ngành nghề với Vinasun. Theo Đề án 24, GrabTaxi chỉ được phép kinh doanh cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Tuy nhiên trên thực tế, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại tòa, GrabTaxi không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) theo Đề án 24.
 Tòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun trên 4,8 tỷ đồng thiệt hại.
Thực tế Grab lợi dụng Đề án 24 để điều hành trọn vẹn một quy trình KDVT taxi tương tự Vinasun, gồm: tuyển tài xế, điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá; thu tiền trực tiếp của khách hàng vào tài khoản Grab, tài xế phải mở tài khoản nộp tiền vào Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách, quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng và giảm mức chiết khấu này, quy định thưởng phạt đối với tài xế, kể cả phạt đối với tài xế không nhận đón khách, mở hoặc tắt ứng dụng đối với từng tài xế, mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho hành khách và tài xế. Mặt khác Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại trên giá cước vận chuyển, trong đó có cả những chuyến xe 0 đồng. Theo báo cáo ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính thể hiện trong 4 năm (2014-2017) Grab bị lỗ trên 1.726 tỷ đồng, trong đó phần lớn là chi phí tiếp thị, quảng cáo, khuyến mại (trong khi vốn điều lệ Grab chỉ có 20 tỷ đồng).

Grab vi phạm nghiêm trọng Đề án 24

“Grab đã vi phạm Nghị định 86 của Chính phủ, thông tư 63 của Bộ GTVT, đặc biệt vi phạm nghiêm trọng Đề án 24. Grab cho rằng giải quyết vụ việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương hoặc Bộ GTVT là không có căn cứ. Grab cho rằng phiên tòa này sẽ gây ảnh hưởng xấu cho môi trường đầu tư vào Việt Nam cũng hoàn toàn sai, vì sinh sống hay kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án chứ không thuộc cơ quan nào khác. Bởi Vinasun kiện cả Uber (có yếu tố nước ngoài) và tòa đã thụ lý đơn kiện đúng quy định. Trong quá trình giải quyết vụ án, Vinasun rút đơn kiện Uber, sau đó Grab mua lại Uber. Cũng trong quá trình bị kiện, GrabTaxi đổi tên thành Grab”, chủ tọa khẳng định.

Cũng theo chủ tọa, các biên bản lấy lời khai của các HTX vận tải hành khách, đều khai nhận tài xế chỉ tham gia làm xã viên HTX, mọi việc đều do Grab thực hiện với tài xế, như: thưởng – phạt, trong khi Đề án không cho phép; tự thỏa thuận và ăn chia; tạo tài khoản cho tài xế; mua bảo hiểm dân sự (tai nạn) tự nguyện cho khách và tài xế…, các HTX vận tải không ăn chia bất cứ khoản nào với Grab.

“Theo quy định của pháp luật, việc kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô (taxi) phải bảo đảm số lượng, chất lượng, nhân viên phục vụ, có HĐLĐ, nhân viên phải được tập huấn an toàn giao thông (ATGT), không sử dụng lái xe trong thời kỳ bị cấm, có nơi đậu xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, có bộ phận quản lý về ATGT, niêm yết công khai, có đăng ký kinh doanh vận tải ôtô do cơ quan có thẩm quyền cấp, taxi phải có đèn gắn đúng nơi đúng chỗ, phải đóng BHXH – BHTN – BHYT cho người lao động…, nhưng Grab không thực hiện những điều nêu trên. Ngoài ra, Grab không thực hiện quy định về thuế khi thu tiền của khách, sau đó chiết khấu rồi chuyển trả qua tài khoản cho lái xe”, chủ tọa Lê Công Toại, nói.

HĐXX khẳng định Grab vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật. Trong văn bản của Sở GTVT gửi tòa, thể hiện từ năm 2016 đến nay, Thanh tra Sở lập 129 biên bản vi phạm (không giấy đăng ký kinh doanh, không có danh sách hợp đồng vận chuyển, không có phù hiệu, không niêm yết tên số điện thoại, địa chỉ doanh nghiệp, vi phạm ATGT, không niêm yết khẩu hiệu tính mạng con người là trên hết…). Đồng thời Bộ GTVT từng có 2 văn bản yêu cầu Grab dừng ngay dịch vụ kết nối đối với xe hợp đồng, nhưng Grab phớt lờ!
 Tài xế Vinasun đến sân tòa phất cờ mừng 'chiến thắng'.
Vi phạm về khuyến mãi

Đối với vi phạm về khuyến mãi, Grab tùy tiện tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày, vi phạm Nghị định 37 của Chính phủ. Trong văn bản Sở Công thương trả lời tòa thể hiện từ năm 2016 đến tháng 10/2017, tiếp nhận 24 hồ sơ thông báo khuyến mãi của Grab. Nhưng theo vi bằng do Vinasun lập cho thấy Grab thực hiện 40 chương trình khuyến mãi không nằm trong chương trình đăng ký với Sở Công thương.
HĐXX cũng nhận định kết quả giám định của Công ty CP Giám định Cửu Long (Công ty Cửu Long - PV) hoàn toàn đúng. Sau khi có kết quả giám định, tòa đã trưng cầu kết quả này cho thấy đúng. Ngày 25/6, Grab khiếu nại lên Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh để yêu cầu hủy kết quả trưng cầu giám định với lý do tổ chức giám định không đáp ứng yêu cầu chuyên môn! Chánh án trả lời không chấp nhận khiếu nại của Grab. Ngày 28/8, Grab gửi đơn đến Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và đơn vị này có văn bản không chấp nhận khiếu nại của Grab. Kết quả giám định từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017, Vinasun thiệt hại trên 41,9 tỷ đồng (gồm cả lãi suất – PV).

“Trên 5.000 trang giám định của Công ty Cửu Long, phía Grab đã sao chụp nhưng không thể đưa ra bất cứ tình tiết nào chứng minh kết quả giám định là sai. Bên cạnh đó, qua thu thập các thông tin pháp lý, kết luận Grab lỗ 1.726 tỷ do khuyến mãi, trong khi vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ; thưởng tài xế khiến khách không dùng Vinasun dẫn đến Vinasun thiệt hại là đúng”, chủ tọa nhận định.

Đối với yêu cầu của Vinasun đòi Grab bồi thường trên 41,2 tỷ đồng, HĐXX cho rằng về mối quan hệ nhân – quả, từ tháng 1/2016 – 6/2017: lượng xe giới hạn dưới 14.000 chiếc, doanh thu taxi được cấp phép sẽ phải tăng. Trước năm 2016, toàn thành phố chỉ có dưới 300 xe đăng ký phù hiệu hợp đồng; đến quý III/2016 lên 9.000 chiếc, quý I/2017 là 21.000 chiếc và quý III/2017 lên 23.000 chiếc.

“Tháng 6/2017, Vinasun trên thực hiện trên 1,1 triệu cuốc xe trong khi Grab trên 2 triệu cuốc xe, có nghĩa xe Grab không ngừng tăng, ngược lại xe Vinasun nằm bãi bị thiệt hại 4,8 tỷ, giảm giá trị vốn hóa thị trường kinh doanh trên 36 tỷ, tổng thiệt hại trên 41,9 tỷ đồng”, chủ tọa phân tích.

Cũng theo HĐXX, hôm nay Viện KSND thay đổi quan điểm, đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn là không thể chấp nhận. Về nguyên nhân giảm giá trị vốn hóa thị trường có yếu tố chủ quan và khách quan, trong khi Vinasun không tách bạch phần thiệt hại nào do Grab gây ra. Do đó HĐXX tuyên chỉ chấp nhận buộc Grab bồi thường cho Vinasun trên 4,8 tỷ đồng (xe nằm bãi), không chấp nhận số tiền trên 36 tỷ đồng còn lại.