Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội chuẩn bị tốt điều kiện dạy và thi theo chương trình mới

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với lớp 12. Hiện ngành giáo dục Hà Nội tập trung chuẩn bị tốt mọi điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục THPT, trong đó có việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo dạng đề thi mới.

Chiều 14/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 cấp THPT.

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội lắng nghe ý kiến của các nhà trường.
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội lắng nghe ý kiến của các nhà trường.

Năm học 2023 - 2024, cấp THPT có 237 trường, trên 302.000 học sinh, 17.000 giáo viên. TP đã hoàn thành xây mới, thành lập mới 1 trường học công lập, triển khai xây dựng 2 trường học công lập (THPT Tây Hồ, THPT Ngọc Hồi). Các nhà trường có nhiều cố gắng thực hiện mua sắm trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu dạy và học trong nhà trường.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn TP là 99,8%, tăng hơn so với năm học trước 0,24%, đứng thứ 11 toàn quốc và tăng 5 bậc so với năm học trước; trong đó có 194 trường có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp 100%.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học tới, Sở GD&ĐT lưu ý các nhà trường triển khai hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THPT.

Cùng với đó, các nhà trường chú trọng phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tập trung phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Đồng thời chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; triển khai thí điểm học bạ số.

Đối với các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn, cần tăng cường xếp các lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, linh hoạt bố trí sĩ số, đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh.

Các nhà trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT; chuẩn bị tốt cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Trên cơ sở của những nội dung hướng dẫn, Sở GD&ĐT đề nghị các nhà trường xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2024 - 2025.

Chia sẻ ý kiến tại hội nghị, các nhà trường đề xuất Sở GD&ĐT tăng cường tổ chức chuyên đề trực tuyến, trực tiếp về đề kiểm tra đánh giá học sinh; làm tốt công tác thi đua khen thưởng với những trường có điểm đầu vào thấp nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao; khen thưởng giáo viên, học sinh, giáo viên đạt thành tích tốt tại các kỳ thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Cùng với đó, tăng cường các đợt kiểm tra khảo sát với học sinh lớp 11, 12; xây dựng ngân hàng đề để hỗ trợ các trường trong khảo sát học sinh...

Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường tập trung đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tiếp tục bổ sung kho học liệu điện tử, sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình; đẩy mạnh bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; tăng tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2025...

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ ra một số thách thức với ngành GD&ĐT nói chung, cấp THPT nói riêng như sĩ số học sinh/lớp còn cao, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đời sống giáo viên còn khó khăn; đồng thời cho biết, Sở sẽ sớm công bố ma trận đề thi, định dạng cấu trúc và đề thi tham khảo kỳ thi lớp 10 THPT 2025 - 2026; có hướng đi phù hợp để bảo đảm chất lượng giáo dục...