Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng, tổng giá trị đầu tư phát triển hạ tầng đô thị

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU, dù gặp không ít khó khăn do vừa làm vừa hoàn thiện chính sách đối với việc khuyến khích các nguồn lực đầu tư xã hội dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc xã hội hoá (BT) nhưng các dự án của Hà Nội đã và đang triển khai theo hình thức này hiện dẫn đầu cả nước cả về số lượng, tổng giá trị đầu tư. Đây là thông tin được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong nêu ra tại Hội nghị tổng kết 3 chương trình công tác của Thành uỷ khoá XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 diễn ra chiều 30/9.

Theo ông Võ Nguyên Phong, thực hiện Chương trình 06-Ctr/TU, Ban chỉ đạo đã xây dựng danh mục dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020. Trong có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị (16 dự án đầu từ ngân sách TP, 22 đầu tư theo hình thức PPP).
 Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trình bày báo cáo tại hội nghị.

Theo kế hoạch đến 2020 Hà Nội cần hoàn thành 17 dự án, tuy nhiên do khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và huy động các nguồn lực đầu tư nên thành phố phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành 12  dự án và 5 dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 2021 – 2022. Các dự án còn lại cũng đang trong quá trình phê duyệt, thẩm định hồ sơ và thu hút vốn đầu tư.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ XVI, Hà Nội chủ động nghiên cứu, tham mưu với Trung ương cho áp dụng cơ chế khuyến khích các nguồn lực đầu tư xã hội dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hình thức đối tác công tư PPP hoặc xã hội hoá BT. Dù gặp không ít khó khăn do vừa làm vừa hoàn thiện chính sách nhưng các dự án của Hà Nội đã và đang triển khai theo hình thức này hiện dẫn đầu cả nước cả về số lượng, tổng giá trị đầu tư. 
Cụ thể, về vận tải hành khách công cộng, tuy chưa đạt như kỳ vọng nhưng đến nay mạng lưới xe buýt đáp ứng được khoảng 16,08%  nhu cầu đi lại của Nhân dân. Sở hữu mạng lưới xe buýt lớn nhất cả nước, Hà Nội có 122 tuyến đảm bảo bao phủ toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Sau rất nhiều năm chuẩn bị, tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội BRT 01 Kim Mã – Yên Nghĩa chính thức vận hành, sử dụng thẻ vé điện tử hiện đại.
Đối với cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, ở nội thành với việc hoàn thành hàng loạt dự án trọng điểm trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy nước tập trung đã đạt khoảng 1.520.000 m3/ngày đêm, cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho người dân đô thị và các khu vực nông thôn liền kề đã được đấu nối với hệ thống cấp nước. Nhờ đó giảm hẳn tình trạng thiếu nước trong mùa hè. Ở khu vực ngoại thành, đến 9/2020, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch nông thôn đạt khoảng 78%. Đến nay, 90/125 hồ nội thành và hàng chục hồ ngoại thành đã hoàn thành xử lý ô nhiễm, chất lượng nước được cải thiện đáng kể, đi đối với việc tôn tạo cảnh quan, đường dạo xung quanh hồ, tạo nên môi trường sống trong lành cho người dân. 
 Quang cảnh hội nghị.
Đối với việc phát triển hệ thống cây xanh, chiếu sáng đô thị, viễn thông, điện lực, với chương trình “trồng mới 1 triệu cây xanh” được khởi xướng từ năm 2016, TP đã hoàn thành, về đích sớm 2 năm chỉ tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh và đang tiếp tục trồng thêm 600.000 cây trong 2 năm 2019, 2020. 
Còn đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xử lý chất thải rắn, TP đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc…Tăng cường đôn đốc các quận, huyện, thị xã và cấp cơ sở kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các công trình xây dựng ngay khi mới khởi công; giải quyết kịp thời không để phát sinh các điểm vi phạm mới và vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp. Tỷ lệ số công trình có vi phạm giảm mạnh theo từng năm (năm 2016 là 13,5%; 2017 là 10,99%; 2018 là 5,22%; 2019 là 3,07%; 6 tháng đầu năm 2020 là 2,25%). 
Ngoài ra, với mục tiêu bảo vệ, cải thiện môi trường để đô thị phát triển bền vững, TP đã đầu tư hệ thống trạm quan trắc đánh giá ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ở những khu vực nguy cơ cao, từ đó nâng cao năng lực dự báo vào có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm cụ thể với lộ trình rõ ràng.