Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ nông sản phục vụ thị trường Tết

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, Hà Nội mới chủ động được 30 - 65% nhu cầu nông sản các loại, số còn lại được cung cấp từ nhiều tỉnh, thành khác. Vì vậy, TP đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kết nối, giao thương, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường Tết.

Vận hành hiệu quả 786 chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản

Thời điểm này, chuỗi thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) đang đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thịt gà, vịt và sản phẩm chế biến từ thịt lợn (xúc xích, chân giò xông khói, giò, chả…) để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023.

Chăn nuôi gà đẻ trứng tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn
Chăn nuôi gà đẻ trứng tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Lâm Nguyễn

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ cho biết, trung bình mỗi tháng chuỗi cung ứng ra thị trường 150 tấn thành phẩm lợn, gà, vịt và các sản phẩm chế biến. Tuy nhiên, tháng cận Tết Nguyên đán, công ty dự kiến lượng sản phẩm bán ra gấp 2 – 2,5 lần so với các tháng trong năm. Để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm ngon, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng, công ty đã liên kết với hơn 300 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Phấn khởi vì chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin dùng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết (huyện Ứng Hòa) Cao Thị Thủy chia sẻ: Hợp tác xã đang liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha lúa Japonica.

Cùng với đó, từ 3 năm nay, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo tại các tỉnh, như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Những tháng cuối năm, trung bình hợp tác xã xuất bán ra thị trường 200 tấn gạo Japonica với giá dao động 22.000 - 25.000 đồng/kg.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, TP đã xây dựng và duy trì được 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm của Thủ đô, những năm qua, Sở NN&PTNT không chỉ phát huy hiệu quả các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn TP mà còn đẩy mạnh phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.

Đến nay, Hà Nội và các tỉnh, TP liên kết đã xây dựng được 786 chuỗi (chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước) với 670 điểm bán hàng. Hiện các chuỗi này đang được vận hành hiệu quả, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Đa dạng hình thức kết nối, giao thương

Phân tích về các giải pháp đảm bảo nguồn cung nông sản, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã tham mưu TP tổ chức cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng với các địa phương trong cả nước; đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thông qua các khâu chế biến, lưu thông, kênh phân phối.

Nông dân huyện Chương Mỹ kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bưởi. Ảnh: Ngọc Ánh 
Nông dân huyện Chương Mỹ kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bưởi. Ảnh: Ngọc Ánh 

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, TP, giúp người dân Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tổng hợp đầu mối sản phẩm nông nghiệp từ các nơi đăng ký chuyển về Hà Nội phục vụ khai thác hàng hóa hiệu quả và bảo đảm nguồn cung cho Thủ đô.

Ngoài ra, các đơn vị của Sở NN&PTNT còn tăng cường hoạt động hợp tác với các tỉnh, TP như: “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” với các tỉnh (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Sơn La); ký kết thỏa thuận phối hợp với 24 tỉnh, TP (từ Nghệ An trở ra) hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; phối hợp với 28 tỉnh, TP triển khai hoạt động đánh giá, chứng nhận VietGAP.

Ngoài ra, Hà Nội cũng phối hợp với 21 tỉnh, TP trong công tác quản lý, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại Hà Nội và từ các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ.

“Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với các tỉnh, TP, từng bước cụ thể hóa chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm cho người dân Thủ đô và khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước trong xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản” – ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.