Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 ngày 28/12, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa hai đề xuất với Chính phủ.
Chủ tịch cho biết, trước tình hình hiện nay, bình quân hàng tháng trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 18 -22 nghìn xe máy; từ 6-8 nghìn ô tô đăng ký mới.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, với tốc độ này (chưa tính đến năm 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm tăng lên) thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô chưa kể ô tô của khối lực lượng vũ trang cũng như các tỉnh vào Hà Nội. Đồng thời, Hà Nội cũng có 7 triệu xe máy.
Do vậy, Hà Nội đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về phát triển KT-XH 2016. Ảnh Anh Quý |
“Nếu cứ với tốc độ như hiện nay mà không có giải pháp từ bây giờ thì trong vòng 4-5 năm nữa vấn đề giao thông sẽ có thể ngày càng phức tạp”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ rà soát và phê duyệt quy hoạch thoát lũ, quy hoạch hệ thống đê điều sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương quản lý theo quy hoạch và khai thác vùng đất ngoài đê.Theo thống kê hiện nay, có khoảng 35 vạn dân ở ngoài đê thuộc quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín... Hướng đến Luật Đê điều, toàn bộ các công trình hạ tầng liên quan đến trường học, y tế... ở khu vực ngoài đê không thể xây dựng được.
"Đề nghị Chính phủ sớm có quy định để giúp Hà Nội và các tỉnh ven sông Hồng có thể xây dựng các công trình an sinh xã hội cho người dân ngoài đê", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kiến nghị.
Cũng trong phát biểu tại Hội nghị này, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2015 Hà Nội bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương nỗ lực cố gắng thực hiện các nhiệm vụ. GDP tăng 9,24%, cao hơn năm 2014 (8,8%), lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 1%.
Đến ngày 26/12, Hà Nội thu ngân sách đạt 148.271 tỷ đồng, bằng 104,6% dự toán. Huy động vốn đầu tư cho phát triển tăng 12,6%, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Đến ngày 25/12, có hơn 19.200 doanh nghiệp đăng ký mới, tăng 31%. An ninh xã hội được đảm bảo, các đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm chăm lo, giải quyết việc làm 148 nghìn lao động, tỷ lệ hộ nghèo cuối 2015 còn 1,5%.
Trong năm qua, Hà Nội cũng chủ trì, phối hợp tổ chức thành công các sự kiện, hoạt động văn hóa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành bảo vệ thành công các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn thành phố.
Quy hoạch xây dựng được đẩy nhanh tiến độ, cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu, hạ tầng đô thị được đẩy mạnh đầu tư, nhiều công trình hạ tầng lớn được đưa vào sử dụng; xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, cuối năm 2015 có 52% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 huyện được công nhận nông thôn mới. Dự kiến 2016 có thêm 5 huyện đủ điều kiện công nhận nông thôn mới.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, công tác an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, cải cách hành chính được tăng cường, chỉ số cải cách hành chính năm 2014 của Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành.
Bên cạnh những kết quả trên, Hà Nội còn một số tồn tại như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; có những việc liên quan đến cơ chế chính sách, thủ tục hành chính chưa được tháo gỡ kịp thời; quản lý đô thị tuy có chuyển biến nhưng còn xảy ra những vụ việc gây bức xúc dư luận như xây dựng trái phép, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính, nhất là phân cấp quản lý, xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị còn hạn chế.
Kế hoạch 2016, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 2015, GRDP tăng 8,5 – 9%, thu ngân sách phấn đấu đạt 169.420 tỷ đồng, tăng 15,6% so với 2015.
Đồng thời, thực hiện tốt an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân, đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, làm tốt công tác quản lý xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn mới, quốc phòng an ninh được tăng cường, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện tốt kế hoạch về bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020; thực hành tiết kiệm chống lãnh phí, tăng cường phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng cho biết, riêng về triển khai các nội dung về công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết 36A của Chính phủ, hiện nay Hà Nội đã được HĐND Thành phố thông qua chương trình, mục tiêu. Năm 2016 Hà Nội sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ này.
Để hoàn thành mục tiêu, Hà Nội đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu, đồng thời nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành của Trung ương.