Hà Nội đối thoại vấn đề nóng về sử dụng lao động, giáo dục nghề nghiệp

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi–Thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; người nước ngoài kết hôn với người Việt, khi đi làm việc có cần giấy phép lao động; người nước ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non cần điều kiện gì… là những nội dung các DN, tổ chức gửi tới lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội.

Ngày 16/12, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2022, với sự chủ trì của Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam.

Tham dự Hội nghị, đại diện cho các DN, trung tâm ngoại ngữ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường mầm non đặt câu hỏi và đề xuất với lãnh đạo Sở. Nhưng nóng nhất vẫn là vấn đề lao động và cấp giấy phép lao động là người nước ngoài.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam phát biểu tại Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2022. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam phát biểu tại Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2022. Ảnh: Trần Oanh.

Phó Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Oanh cho biết, hiện nay không có quy định cụ thể về thời hạn của phiếu lý lịch tư pháp nhưng thông thường từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, đối với thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, theo quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP thì thời hạn không quá 6 tháng kể từ ngày cấp.

Với những câu hỏi về lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Phó Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Đình Đạo đã có những giải đáp kịp thời. Cụ thể, người lao động nước ngoài hiện đang làm việc ở một ty này được làm ở DN khác cùng vị trí, chức danh và hình thức làm việc. Người lao động này thuộc trường hợp đặc biệt nên được giảm thủ tục (lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe) khi làm hồ sơ cấp giấy phép lao động; nhưng với điều kiện cơ quan cũ xác nhận đang trong thời gian làm việc. Nếu người lao động kết thúc làm việc ở công ty A thì phải nộp đầy đủ hồ sơ.

Đại diện các DN, nhà trường đặt câu hỏi và được giải đáp kịp thời. Ảnh: Trần Oanh. 
Đại diện các DN, nhà trường đặt câu hỏi và được giải đáp kịp thời. Ảnh: Trần Oanh. 

Người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam thì không cần phải cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, DN phải báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài để Sở LĐTB&XH Hà Nội chấp thuận vị trí sử dụng lao động nước ngoài. Và, DN đến cơ quan xuất nhập cảnh để làm thủ tục cấp visa, thẻ tạm trú.  

Phó Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Đình Đạo giải đáp về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Đình Đạo giải đáp về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Ảnh: Trần Oanh.

Giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh tại Việt Nam cần những điều kiện và thủ tục gì là câu hỏi được nhiều trung tâm, trường học quan tâm, đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội. Ông Nguyễn Đình Đạo cho biết, người nước ngoài làm giáo viên mầm non dạy tiếng Anh phải đáp ứng các điều kiện sau mới được cấp giấy phép lao động: Đối với giáo viên người bản ngữ (nước Anh, Canada… và các nước nói tiếng Anh) phải có bằng cao đẳng trở lên, có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh và đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm về giáo dục mầm non hoặc chứng chỉ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học sư phạm có đào tạo chuyên môn về ngành này cấp.

Đối với người không phải là người bản ngữ thì phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên và hoàn thành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ về giáo dục mầm non và phương pháp làm quen tiếng Anh.

Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH Hà Nội Lê Thu Trà trả lời cơ sở giáo dục nghề nghiệp về miễn giảm học phí. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH Hà Nội Lê Thu Trà trả lời cơ sở giáo dục nghề nghiệp về miễn giảm học phí. Ảnh: Trần Oanh.

Lãnh đạo trường Trung cấp nghề Công nghệ Tây An về thủ tục cấp bù tiền miễn giảm học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học chương trình 9+, đã có căn cước công dân thì có được phép nhận tiền? Về câu hỏi này, Phó Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH Hà Nội Lê Thu Trà cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, bố mẹ hoặc người giám hộ làm đơn đề nghị được miễn giảm học phí cho đối tượng học sinh. Vì bố mẹ hoặc người giám hộ làm đơn cho nên cũng là người nhận cấp bù tiền miễn, giảm học phí.

Và nhiều câu hỏi khác đã được lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội và các phòng, ban giải đáp kịp thời, thỏa đáng. Với những sáng kiến đề xuất thì được lãnh đạo Sở sẽ xem xét. Trường hợp câu hỏi không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở thì được tiếp nhận để có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội và sẽ có phản hồi tới DN, nhà trường.

 

Sở LĐTB&XH Hà Nội giải quyết 38.000 hồ sơ thủ tục hành chính

Tại Hội nghị đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính năm 2022, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: Sở LĐTB&XH Hà Nội hiện có 120 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tại Sở, thuộc các lĩnh vực: Người có công, Bảo trợ xã hội, Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phòng chống tệ nạn xã hội.

Trong 11 tháng năm 2022, Sở tiếp nhận và giải quyết 38.800 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, trong đó lượng hồ sơ thuộc lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, người có công chiếm tỷ lệ cao. Trong những năm gần đây, số hồ sơ đề nghị giải quyết thủ tục hành chính ngày càng tăng, dự kiến đến hết năm 2022 sẽ có khoảng gần 41.000 hồ sơ.

Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc, các phòng chuyên môn nghiệp vụ và các đơn vị trực thuộc Sở đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ Nhân dân. Đến nay, Sở đã có 84 thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4; đã cung cấp 1/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ.