Tuy nhiên, nỗi lo về tình trạng thừa - thiếu chỗ học cục bộ hay áp lực tại các trường công lập nội đô ngày càng tăng và dự báo sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới.
Nhức nhối tình trạng quá tải
Cả thập kỷ đã trôi qua nhưng câu chuyện nhiều phụ huynh chen lấn, xô đổ cổng trường PTCS Thực nghiệm, quận Ba Đình để nhanh chân chạy vào bên trong mua hồ sơ cho con vẫn khiến dư luận không nguôi ám ảnh.
Người dân nhớ như in tình huống bốc thăm may rủi vào trường Mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, xảy ra vào mùa tuyển sinh năm 2022.
Trong năm học 2022 - 2023, phụ huynh cũng phải xếp hàng xuyên đêm chờ mua hồ sơ trải nghiệm vào lớp 1 trường Marie Curie, quận Nam Từ Liêm.
Mới đây, hàng trăm phụ huynh kéo đến, xếp hàng xuyên đêm gây ùn tắc và mất trật tự để tranh suất học ở trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông.
Và lại nữa, tình trạng xếp lốt lên đến đỉnh điểm trong đợt tuyển sinh lớp 10 vừa qua. Trong vài ngày liên tiếp, tại các cổng trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa, THCS & THPT Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng và THPT Hoàng Cầu, quận Đống Đa, hình ảnh phụ huynh mồ hôi nhễ nhại, nhăn nhó, kiệt sức vì nắng nóng xếp thành những hàng dài mong mua được hồ sơ xét tuyển lớp 10 cho con.
Nhìn nhận tình trạng trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nêu chi tiết: “Năm 2023, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tại Hà Nội là 129.210 em; trong khi đó, chỗ học tại 120 trường công lập, 116 trường tư thục, 50 trường nghề và 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) là 138.200 chỗ. Như vậy, tính tổng chỗ học so với số học sinh thì Thủ đô không thiếu nhưng lại xảy ra tình trạng thừa, thiếu chỗ học cục bộ giữa khu vực nội thành và ngoại thành”.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tình trạng thiếu trường nội đô, quá tải trường lớp tại Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân.
Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ về mặt tự nhiên mà còn tăng nhanh do nhập cư. Trong khi đó, số lượng trường lớp lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, một áp lực khác đến từ chính những mong cầu của phụ huynh, khi mong muốn con có thể vào các trường THPT công lập tốt, các trường chất lượng cao. Tâm lý này cũng làm gia tăng áp lực tuyển sinh.
Phụ huynh luôn kỳ vọng con học trường công lập, trường có chất lượng, có uy tín từ bậc mầm non, tiểu học để được rèn luyện bài bản về kỹ năng, kiến thức; muốn con học trường THCS có tiếng và ước con học trường THPT mang bề dày thành tích để rộng đường vào đại học. Do vậy, gánh nặng lên hệ thống trường công lập nội đô luôn nặng nề.
Số liệu thống kê của Sở GD&ĐT
Hà Nội cho biết: năm học 2023 - 2024, học sinh đầu cấp ở Hà Nội tăng mạnh, trong đó học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 38.800 em, học sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em.
Nhờ phân tuyến hợp lý kèm việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nên công tác tuyển sinh trực tuyến đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 tại Hà Nội đã được thực hiện nền nếp nhiều năm nay, bảo đảm chỗ học theo nguyện vọng cho con em Nhân dân.
Với lớp 10, Hà Nội tuyển 78.623 học sinh vào các trường THPT công lập (chiếm tỷ lệ 60,9%), tăng khoảng 1.000 em so với năm học trước, đáp ứng đúng tiêu chí của Bộ GD&ĐT.
Dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tiếp tục tăng mạnh, cụ thể: năm học 2024 - 2025 dự kiến có khoảng 134.942 học sinh (tăng khoảng 5.732 em so với năm học 2023 - 2024); năm học 2025 - 2026 dự kiến có 129.890 học sinh (tăng khoảng 680 em so với năm học 2023 - 2024); năm học 2026 - 2027 có 151.710 học sinh (tăng 22.500 em so với năm học 2023 - 2024). Về quy mô các trường THPT công lập (không tính trường THPT công lập tự chủ và trường THPT công lập hiệp quản): năm học 2024 - 2025, Hà Nội dự kiến có 121 trường; năm học 2025 - 2026 có 123 trường; năm học 2026 - 2027 có 125 trường (trong 3 năm tăng 6 trường).
Theo các chuyên gia, xảy ra tình trạng thiếu chỗ học còn do chủ trương phân luồng sau THCS chưa được thực thi như mong muốn. Việc tuyên truyền, tư vấn về hướng nghiệp trong nhà trường chưa thực sự đến được với phụ huynh và học sinh. Chất lượng hệ thống các trường nghề hiện nay vẫn còn chậm đổi mới, chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi thực tế nên chưa tạo dựng được niềm tin, sự yên tâm đối với người học.
Nhiều giải pháp
Trước mắt, để không xảy ra hiện tượng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm, Sở GD&ĐT Hà Nội quyết tâm phấn đấu từ kỳ tuyển sinh năm học 2024 - 2025 tất cả các trường trên địa bàn (trong đó có trường tư thục, trường công lập tự chủ) sẽ triển khai đăng ký tuyển sinh trực tuyến, không để trường nào thu hồ sơ, đăng ký tuyển sinh trực tiếp.
Về tình hình trường lớp, UBND TP có Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 về đầu tư xây dựng, cải tạo các trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp sau.
Theo đó, đối với các trường thuộc trách nhiệm quản lý, đầu tư cấp TP có 139 dự án với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng; trong đó có 16 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT, 123 dự án đầu tư cho các trường hiện có.
Thực hiện Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND TP về quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, UBND TP đã giao UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường THPT; trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp THPT.
UBND TP chỉ đạo đến hết năm 2023 các quận, huyện, thị xã phải hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư toàn bộ các dự án trường THPT trong danh mục đầu tư tại Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP.
Báo cáo Thủ tướng chính phủ về công tác bảo đảm trường lớp, Hà Nội đưa ra 7 giải pháp; trước hết là đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND TP ghi vốn trong Kế hoạch đầu tư cổng trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết 25/NQ-HĐND ngày 23/9/2022 của HĐND TP, Nghị quyết 02/NQ- HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP và Kế hoạch 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND TP.
Hà Nội tích cực rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp theo Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND TP và trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học; cho thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường công lập; tiếp tục xây dựng quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn TP đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp.
Hà Nội cũng ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, trường cao đẳng và trường đại học ra khởi khu vực nội đô ưu tiên quỹ đất để xây trường học công lập, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. TP tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn nhằm điều hòa hợp lý chỗ học.
Cùng với đó, TP tăng cường nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp học theo hướng đồng bộ, kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Quan trọng nữa là đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài nhằm giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.
Hà Nội có tốc độ tăng dân số cơ học rất nhanh, học sinh cũng tăng mạnh theo từng năm. Với mức độ này, trung bình mỗi năm Hà Nội phải xây 30 - 35 trường mới đáp ứng nhu cầu hiện nay.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương
Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND và UBND TP trong việc thúc đẩy nhiều giải pháp, đến năm 2025, Hà Nội cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn.