Chủ trì Hội nghị có: Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.
Dự hội nghị còn có: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản.
5 tháng đầu năm 2019, TP mới giải ngân 15,3% kế hoạch vốn giao
Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư cấp TP và cấp quận, huyện, thị xã; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của TP.
Theo đó, UBND TP đã giao kế hoạch vốn đầu tư tại Quyết định số 6688/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 với tổng số vốn: 44.917,393 tỷ đồng; bao gồm: Chi đầu tư cấp TP: 29.019.503 tỷ đồng, trong đó bố trí kế hoạch vốn thực hiện 184 dự án xây dựng cơ bản tập trung với tổng vốn 16.612,096 tỷ đồng. Chi đầu tư cấp huyện: 15.897,89 tỷ đồng.
Đối với nhiệm vụ chi đầu tư cấp huyện, một số quận, huyện đã phân bổ và giao kế hoạch vốn tăng thêm so với mức vốn kế hoạch TP giao. Theo đó tổng kế hoạch vốn cho chi đầu tư cấp huyện là 21.034,779 tỷ đồng, tăng 5.136,889 tỷ đồng. Đối với kế hoạch chi đầu tư cấp TP, ngày 09/4/2019 tại kỳ họp thứ 8, HĐND TP đã phê chuẩn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn cấp TP với mức vốn tăng thêm là 1.972,5 tỷ đồng.
Như vậy, với việc cấp huyện giao thêm và cấp TP bổ sung kế hoạch vốn cấp TP, tổng kế hoạch vốn cho đầu tư của toàn TP đến nay là 50.026,782 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách cấp TP là 30.992,003 tỷ đồng; chi ngân sách cấp huyện là 21.034,779 tỷ đồng.
Về tình hình thực hiện các dự án xây dựng cơ bản cấp TP: Đã hoàn thành phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 117/126 dự án; đã khởi công 28/126 dự án khởi công mới năm 2019. Đã hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư 25 dự án trong tổng số 105 dự án đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư chưa phê duyệt dự án đến 31/10/2018.
Đã hoàn thành thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư 26 dự án trong 99 dự án cần hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư; 18 dự án đã hoàn thành thủ tục thẩm định, để trình HĐND TP phê duyệt tại kỳ họp tháng 7/2019.
Về giải ngân kế hoạch vốn, hết 5 tháng đầu năm 2019, toàn TP đã giải ngân 6.871 tỷ đồng, đạt 15,3% kế hoạch giao đầu năm; Ước giải ngân 6 tháng đầu năm 2019, toàn TP thực hiện chi khoảng 14.467 tỷ đồng, đạt 31% kế hoạch giao (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm).
Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn TP là chậm, nhất là ở cấp TP. Hết 5 tháng, toàn TP mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 31% (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm).
Sau 5 tháng triển khai kế hoạch, chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của TP. Cụ thể, đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp TP, các đơn vị có kết quả giải ngân khá như là: UBND quận Hà Đông (89%), UBND huyện Đan Phượng (51%), UBND huyện Quốc Oai (49%), UBND huyện Thanh Oai (45%). Thành phố đều có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung, như: Ban ĐSĐT (12%), Ban Nông nghiệp (12%), Ban Giao thông (3%)…
Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè 2019
Về kế hoạch cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Với tốc độ phát triển đô thị tăng thêm trên 6% so với năm 2018 và nhu cầu sử dụng nước cùa nhân dân vào thời gian cao điểm mùa hè tăng khoảng 5-10% thì với sản lượng dự kiến khai thác 1.235.000m3/ngđ là cơ bản đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân hè 2019 với tỷ lệ cấp nước đạt 100%, và chi tiêu là khoảng 100 đến 150 lít/người/ngày.
Ngoài ra, một số khu đô thị mới đang đưa vào sử dụng, trong khi hệ thống mạng lưới cấp nguồn chưa được đầu tư đồng bộ, một số khu vực sử dụng nguồn từ các trạm cấp nước cục bộ vào thời gian cao điểm mùa hè có thể thiếu nước cục bộ.
Để đảm bảo công tác cung cấp nước sạch mùa hè 2019, TP yêu cầu các Công ty nước sạch phải rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch mùa hè 2019, đặc biệt đối với tình huống sự cố vỡ tuyến ống số 1 sông Đà hoặc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cấp nước sông Đuống.
Vì thế, TP đảm bảo duy trì sản xuất, cung cấp tổng công suất nước khoảng 1.235.000-1.370.000 m3/ngày đêm. Trong đó, Công ty Nước sạch Hà Nội là 670.200 m3/ngày đêm; bổ sung nguồn nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đuống khoảng 80.000 m3/ngày đêm; Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco khoảng 250.000-300.000 m3/ngày đêm; Công ty Nước sạch Hà Đông khoảng 80.000 m3/ngày đêm; Công ty CP nước mặt sông Đuống bổ sung hỗ trợ nguồn cấp cho khu vực nội đô khoảng 100.000 – 150.000 m3/ngày đêm…
Bên cạnh đó, đảm bảo hệ thống mạng lưới nước vận hành ổn định, duy trì đủ áp lực cấp nước, đồng thời khắc phục những điểm rò rỉ, vỡ ống gây mất nước, thất thoát nước sạch.
Tiếp tục nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước
Về kế hoạch đảm bảo thoát nước, chống ngập úng khu vực nội thành mùa mưa 2019, Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết: Dự báo với cường độ mưa trong khoảng từ 50 đến 100 mm/2 giờ, các tuyến phố chính sẽ vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập (trước đây tồn tại 18 điểm úng ngập cục bộ).
Vì thế, TP tiếp tục nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước, cụ thể như khai thác và nâng cấp phần mềm HSDC Maps – cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập… Tiếp tục vận hành 15 camera giám sát điểm úng ngập; triển khai sơ đồ vận hành hệ thống thoát nước theo thời gian thực trên lưu vực 5 con sông phục vụ thoát nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có. Chuẩn bị sẵn 129 xe hút, xe stec, phản lực; 23 máy phát điện 5 – 30 KVA; 9 máy bơm chìm 100 – 150 m3/h; 2 xe bơm di động 1.800 m3/h; 13 tổ máy bơm di động 200 – 300 m3/h và hơn 130 ô tô chuyên dùng, máy xúc, xe tải cẩu… phục vụ công tác ứng trực khi mưa. Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, phối hợp đảm bảo thoát nước tại các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước…
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp
Báo cáo về tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Đến ngày 20/6, bệnh dịch đã xảy ra tại 24.327 hộ chăn nuôi (chiếm 30,1% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi), 2.189 thôn, tổ dân phố, 442 xã, phường, thị trấn thuộc 24/24 quận, huyện thị xã có chăn nuôi lợn; làm mắc bệnh và tiêu hủy 414.013 con lợn (chiếm 22,1 % tổng đàn) với trọng lượng 28.396 tấn. Hiện, có 18 xã, phường thuộc 11 quận, huyện dịch bệnh qua 30 ngày không phát sinh.
Công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi được Thành ủy, UBND TP đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn tại hộ có dịch cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đứng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.
Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị khác triển khai có hiệu quả 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn TP, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là: 216 tấn; bổ sung 202 tấn hóa chất và 6.721 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, bệnh dịch chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nguy cơ còn diễn biến phức tạp, kéo dài, dịch bệnh tiếp tục xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có chiều hướng xảy ra tại các hộ chăn nuôi có quy mô lớn, các huyện có tổng đàn lợn lớn như: Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thạch Thất, Phúc Thọ… Việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn còn bất cập. Việc tiêu hủy lợn với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường có thể gây phát sinh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn tiêu thụ sẽ gặp nhiều khó khăn…
Vì thế, trong thời gian tới, TP tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục củng cố hệ thống thú ý các cấp; thành lập, tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương, cơ sở đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; Huy động các lực lượng tại chỗ của địa phương, đơn vị; Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy dịnh của pháp luật các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống, xử lý dịch bệnh…
Ứng phó kịp thời với diễn biến khó lường của thời tiết
Về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, theo các kết quả dự báo mới nhất, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái E1 Nino yếu trong các tháng nửa đầu năm 2019 với xác suất 60-70%, đến nửa cuối năm 2019 ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính.
Tình hình thời tiết thủy văn năm 2019 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, tố, mưa lớn cục bộ trong các tháng giao mùa, nắng nóng gay gắt kéo dài; bão, lũ có diễn biến bất thường; mưa lớn tập trung với cường độ mạnh, trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại đô thị, vùng trũng thấp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP đã phân công nhiệm vụ cụ thể trong công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cho các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã.
Trong đó, Sở NN&PTNT phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các Công ty Thủy lợi chỉ đạo kiểm tra, rà soát các hồ đập; rà soát quy trình tích nước và vận hành, những hư hỏng, sự cố được đầu tư tu sửa, bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trong mùa lũ 2019.
Chỉ đạo Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch Thủy lợi, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN Thành phố; ưu tiên xây dựng phương án ứng phó cho khu vực bị ảnh hưởng của lũ sông Bùi, sông Tích.