Hà Nội: Giao lưu, chia sẻ để kéo gần khoảng cách giáo dục nội thành - ngoại thành

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, giáo dục ngoại thành Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Các giải pháp kéo giảm khoảng cách giáo dục đã được đưa ra, trong đó có việc liên kết giữa các đơn vị qua phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển-Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”.

Đẩy mạnh hoạt động chia sẻ chuyên môn

Mới đây, tại Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) diễn ra chương trình chia sẻ kỹ năng quản trị, quản lý trường học. Đây là chương trình cụ thể hóa kế hoạch liên phòng giữa Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy và Phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ về việc tiếp tục phối hợp tổ chức phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” năm học 2023 -2024. Theo đó, trong năm học này, phong trào được phát động tới tất cả các trường công lập trên địa bàn hai quận, huyện. 

Trao đổi chuyên môn giữa giáo viên cấp THCS tại các trường học quận Cầu Giấy và huyện Phúc Thọ
Trao đổi chuyên môn giữa giáo viên cấp THCS tại các trường học quận Cầu Giấy và huyện Phúc Thọ

Được biết, trong năm học đầu triển khai phong trào, hai quận huyện đã thực hiện được 14 chuyên đề cấp quận, 24 chuyên đề cấp trường, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy trao tặng hơn 2000 đầu sách, truyện, 80 suất học bổng trị giá 40 triệu đồng cho các trường trên địa bàn huyện Phúc Thọ…

Tiếp nối chương trình, năm học này, toàn bộ 71 trường công lập của huyện Phúc Thọ kết nối với 41 trường công lập của quận Cầu Giấy ở 3 cấp học. Các hoạt động phối hợp đem lại những hiệu quả rõ rệt, chuyển biến lớn, nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường. 

Nhằm xây dựng mối liên hệ gắn kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi, chia sẻ chuyên môn, trước đó, Trường mầm non Tương Mai (quận Hoàng Mai) đã phối hợp với Trường mầm non Đông Lỗ (huyện Ứng Hoà) tổ chức buổi chia sẻ, bồi dưỡng chuyên môn về công tác chăm sóc giáo dục trẻ.

Trong không khí thân mật cùng tinh thần hợp tác, giúp nhau cùng phát triển, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hai nhà trường đã trao đổi, thảo luận cởi mở, tích cực, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về công tác chăm sóc giáo dục trẻ; cách tạo môi trường giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình của điạ phương, của trường, lớp. 

Đây là 2 trong hàng trăm hoạt động kết nối mà ngành giáo dục Hà Nội tích cực đẩy mạnh thực hiện thời gian qua. Sau buổi chia sẻ, lãnh đạo các đơn vị, nhà trường đều thống nhất xây dựng kế hoạch trong thời gian tới để tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy, góp phần phát triển chuyên môn, nâng cao năng lực giảng dạy, thúc đẩy sự phát triển của mỗi nhà trường, góp phần vào sự phát triển chung của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.

Lan tỏa sâu rộng

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện 100% các đơn vị quận huyện, thị xã trên địa bàn đã kết nối, ký kết giao ước, xây dựng nội dung, kế hoạch và lộ trình thực hiện phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển- Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" do ngành Giáo dục Hà Nội phát động.

Qua thống kê, có 672 trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức gặp gỡ, ký biên bản ghi nhớ song phương; có 65 trường THPT và trung giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (TTGDNN – GDTX) ký cam kết giao ước (đạt 72% kế hoạch).

Giáo dục ở các huyện ngoại thành có bước tiến vượt bậc (Ảnh: Tiết học sôi nổi của cô trò thuộc huyện Ba Vì)
Giáo dục ở các huyện ngoại thành có bước tiến vượt bậc (Ảnh: Tiết học sôi nổi của cô trò thuộc huyện Ba Vì)

Tính đến hết năm học 2022 – 2023, có 160 chuyên đề được tổ chức thực hiện. Ở mức độ cấp trường, đã có 628 chuyên đề chia sẻ, liên kết được thực hiện, tập trung chủ yếu vào những hoạt động hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, các chuyên đề về hoạt động trải nghiệm, kĩ năng sống cho trẻ mầm non; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn; ôn thi học sinh giỏi...

Các trường THPT, các TTGDNN-GDTX đã thực hiện được 30 buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn theo hình thức trực tiếp, thực hiện được 6 buổi chia sẻ kinh nghiệm, dạy học theo hình thức online...

Bên cạnh các hoạt động chia sẻ, học tập trong lĩnh vực chuyên môn, các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục – thể thao cũng là một nội dung được các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục quan tâm. Việc cho học sinh các trường ngoại thành thăm quan học tập ở các trường nội thành và ngược lại cũng  được nhiều trường THPT tổ chức thực hiện. Các đơn vị cũng tích cực hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.

Chia sẻ về ý nghĩa nhân văn của phong trào, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh cho biết, với trên 70.000 học sinh, trong đó 15 % là dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn, Ba Vì tham gia hoạt động kết nghĩa với các đơn vị, nhà trường ở Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, TP Lào Cai; qua đó đã có những chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học trên địa bàn toàn huyện

“Đây là phong trào nhân ái, góp phần thu hẹp khoảng cách giáo dục; giúp các nhà trường học hỏi trong quản lý điều hành, thầy cô có thêm kinh nghiệm trong triển khai giờ dạy, học sinh thêm bạn bè và tự tin hơn", Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lập, huyện Đan Phượng Lý Đức Kim nhận xét.

Để phong trào có sức lan tỏa và đạt hiệu quả tốt hơn, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương mong thời gian tới, lãnh đạo các cơ sở giáo dục nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng chương trình hành động cụ thể, thiết thực; tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các cơ quan, các doanh nghiệp... đưa giáo dục thực sự là sự nghiệp của toàn dân.

 

Sau 15 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hiện quy mô mạng lưới trường, lớp học của ngành giáo dục Thủ đô ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tăng cường, đảm bảo chất lượng chuyên môn và năng lực sư phạm đáp ứng Chương trình GDPT năm 2018. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Công tác chỉ đạo, lựa chọn SGK mới thực hiện Chương trình GDPT 2018; xây dựng chương trình giáo dục địa phương được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của các cấp.