Theo Sở Nội vụ Hà Nội, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND về khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 về kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một số sở, ngành và cán bộ, công chức; công tác cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao bộ tiêu chí cần quan tâm, cải thiện.
Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp, toàn diện
Để khắc phục tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 về kỷ luật kỷ cương hành chính, UBND TP tập trung vào các giải pháp trọng tâm là: quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế làm việc của UBND TP; trực tiếp, chủ động giải quyết công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, địa phương; quyết định công việc theo thẩm quyền và không trình UBND TP, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP những công việc thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. Đồng thời, chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp, toàn diện trước UBND TP, Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP và trước pháp luật đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền, được phân công, ủy quyền, được giao nhiệm vụ.
Đặc biệt, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
Lãnh đạo UBND TP cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan chủ trì chủ động, tích cực, phối hợp hiệu quả với thủ trưởng các cơ quan liên quan; không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì được xác định là đồng ý với ý kiến và đề xuất của cơ quan lấy ý kiến. Cơ quan lấy ý kiến có văn bản thông báo lại và cơ quan không có ý kiến hoặc chậm có ý kiến trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND TP, Chủ tịch UBND TP.
Đối với Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, lãnh đạo TP yêu cầu chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định pháp luật; không trình công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương lên UBND TP, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP và sở, ban, ngành; không lạm dụng việc lấy ý kiến cơ quan chuyên môn thuộc TP để né tránh trách nhiệm. Đồng thời, khẩn trương rà soát nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời gian quy định, nhất là với những công việc đã đến thời hạn giải quyết.
UBND TP cũng đề nghị thủ trưởng các sở, cơ quan tương đương sở, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay quy trình phân công và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công việc tại cơ quan, đơn vị; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa những quy trình, thủ tục không cần thiết. Cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, tuyệt đối không để xảy ra đùn đẩy né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền được xử lý kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.
Song song đó, cần tăng cường kiểm tra công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao; nếu đùn đẩy để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đúng quy định. Đồng thời, quan tâm biểu dương khen thưởng kịp thời những cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Hằng tháng công khai kết quả giải quyết kiến nghị của người dân
Bên cạnh tập trung khắc phục những tồn tại về kỷ cương hành chính, lãnh đạo UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị nâng cao hiệu quả công tác CCHC; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí về CCHC để phát huy vai trò là công cụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành CCHC của TP.
Cụ thể, cần tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; tập trung hoàn thành 100% nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2024 của TP, của các cơ quan đơn vị và các chỉ tiêu, mục tiêu được TP đề ra tại Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021-2025, Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy; định kỳ kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất sáng kiến trong CCHC; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Bộ tiêu chí về CCHC.
Lãnh đạo TP cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tham mưu xây dựng văn bản triển khai Luật Thủ đô sau khi được thông qua bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi trong triển khai; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định. Đồng thời, chú trọng đổi mới bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện dịch vụ công trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng; công khai hằng tháng kết quả giải quyết TTHC, kết quả tiếp nhận, xử lý, giải quyết góp ý, kiến nghị của người dân tại trụ sở cơ quan và trên cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Song song đó, đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tham mưu, rà soát, tổ chức sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các nghị định của Chính phủ và kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế. Các cơ quan, đơn vị triển khai rà soát, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức theo danh mục vị trí việc làm, bản mô tả và khung năng lực đối với từng vị trí.
Cùng đó, UBND quận, huyện, thị xã cần tập trung chỉ đạo cấp ủy, UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, tạo thống nhất cao về nhận thức, đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân; thực hiện đúng trình tự, pháp luật, tạo thống nhất trong toàn hệ thống chính trị và ủng hộ của Nhân dân đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn.
Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương; đổi mới công tác tuyển dụng, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Cùng đó, cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch 171-KH/TU của Thành ủy về tăng cường kỷ luật kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP, tăng cường kiểm tra việc thực hiện kỷ luật kỷ cương hành chính; xây dựng các giải pháp thực hiện kế hoạch giải ngân vốn NSNN bảo đảm 100% vốn đầu tư được phân bổ kịp thời, tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định.
Lãnh đạo TP cũng yêu cầu toàn TP triển khai hiệu quả Nghị quyết 18/NQ-TU của Thành ủy và Kế hoạch 239/KH-UBND của UBND TP về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030; tiếp tục vận hành các hệ thống thông tin đã được triển khai phục vụ người dân, doanh nghiệp và hoạt động điều hành nội bộ của cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và bảo đảm tiến độ theo đúng lộ trình Đề án 06. Ngoài ra, cần xây dựng phương án đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp bảo đảm phù hợp quy định mới, phản ánh thực chất hiệu quả CCHC của các cơ quan, đơn vị thuộc TP.