Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội không thiếu hàng phục vụ Tết Giáp Thìn

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, không để xẩy ra tình trạng khan hàng tăng giá. Tuy nhiên, do sức mua yếu nên các doanh nghiệp bán lẻ cần tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng.

Đó là phản ánh của doanh nghiệp tại Hội nghị chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn giữa Bộ Công Thương với Sở Công Thương Hà Nội ngày 23/1.

Hà Nội dự trữ lượng hàng Tết trị giá 49.000 tỷ đồng

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao.

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn, ngành công thương Hà Nội đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023. Cụ thể, TP Hà Nội dự trữ 58.500 tấn thịt lợn, 292.000 tấn gạo, 19.500 tấn gia cầm, 16.200 tấn thịt bò, 390 triệu quả trứng, 325.500 tấn rau củ, 16.260 tấn thủy sản, 16.260 tấn thực phẩm chế biến, 1500 tấn bánh kẹo… “Với lượng hàng trị giá lớn như vậy, TP Hà Nội đảm bảo không xẩy ra hiện tượng khan hàng, tăng giá trong thời gian trước, trong và sau Tết”- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp khẳng định.

Người tiêu dùng mua hàng Tết tại siêu thị Big C Thăng Log. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng Tết tại siêu thị Big C Thăng Log. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, hệ thống Co.op Mart đã dự trữ lượng hàng trị giá lên đến 10.000 tỷ đồng. “Năm nay, lượng hàng tại hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với cùng kỳ và tăng 50% so với ngày bình thường. Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nên siêu thị tập trung dự trữ  các mặt hàng thiết yếu, mức giá bán ra luôn ổn định"- bà Dung cho hay.

Tương tự, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Minh Tuấn cho biết, ngay từ tháng 7/2023, siêu thị đã làm việc với các đơn vị cung qua đó đảm bảo với nguồn hàng tăng 20% so với năm 2023 với giá cả ổn định.

Thời điểm này, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như WinMart, BRG Mart, AEON… cũng đang tích cực ký kết hợp đồng dự trữ hàng hóa phục vụ Tết.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp thông tin về việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp thông tin về việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Là một trong những doanh nghiệp quản lý hệ thống bán lẻ quy mô lớn của TP Hà Nội, Giám đốc Maketing Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce Nguyễn Minh Anh chia sẻ,  thông thường vào thời điểm cuối năm và Tết sức mua trên thị trường sẽ tăng 20% so với các tháng trong năm. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, WinCommerce đã xây dựng, lên phương án cung ứng hàng hóa 2-3 tháng trước Tết. Đồng thời thu mua hàng hóa các tỉnh, địa phương để chuẩn bị cho dịp Tết trong đó chú trọng các mặt hàng trọng tâm như rau củ quả, thịt, trứng, cá... “Hiện nguồn cung lương thực thực phẩm luôn dồi dào, giá cả không biến động lớn”- bà Minh Anh khẳng định.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị BRG Mart cũng đã dự trữ hàng hóa, thực phẩm tăng 2,5 lần so với những tháng trong năm, riêng với mặt hàng thực phẩm, đơn vị đã đưa vào hoạt động 3 kho dự trữ hàng tươi sống, đồng thời tổ chức 41 điểm bán hàng Tết trên địa bàn Hà Nội.

Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng

Thực tế cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp đã tích cực dự trữ hàng hóa, cam kết không tăng giá thế nhưng sức mua hàng Tết không tăng trưởng như mong đợi.

Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua bánh kẹo Tết tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: Hoài Nam

Giám đốc Công ty Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn than thở, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô trong dịp Tết Giáp Thìn, doanh nghiệp đã chuẩn bị 350 tấn bánh kẹo các loại, nhưng hiện nay sức tiêu thụ mặt hàng này vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Là doanh nghiệp chuyên cung ứng thực phẩm sạch cho hệ thống siêu thị, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phẩn CP Việt Nam Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, để ngăn chặn tăng giá đột biến, đơn vị đã cam kết “khóa giá” bán mặt hàng thịt lợn, gia cầm mặc dù giá lợn hơi đã tăng cao. Thế nhưng đến thời điểm hiện nay, sức tiêu thụ mặt hàng thịt lợn và gia cầm chỉ tăng trưởng 3-5% so với ngày thường, điều đó cho thấy sức mua của người dân không tăng. “Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân chi tiêu dè sẻn, đây cũng là thời điểm người lao động chờ được lĩnh lương, thưởng Tết mới đi mua sắm cũng khiến khiến sức mua thời điểm cận Tết không tăng như mong muốn”- bà Nghĩa phân tích.

Người tiêu dùng mua hàng giảm giá tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng giảm giá tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Để kích cầu tiêu dùng, hiện các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá. Chẳng hạn, chuỗi siêu thị WinMart đã đưa hàng hóa phiên bản tết lên quầy kệ với giá ưu đãi lên đến 50%. Hệ thống siêu thị GO!/Big C, Tops Market áp dụng chương trình "Khóa giá" - bán thịt heo tươi không lợi nhuận", theo đó từ nayđến hết ngày 24 tháng Chạp, thịt lợn tại hệ thống siêu thị này được bán với giá dao động từ 89.900-131.000 đồng/kg tùy loại.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức thông tin, những chương trình giảm giá sâu dịp Tết là sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ nhằm thúc đẩy sức mua. "Riêng những ngày cận tết, các nhà bán lẻ nên tự bỏ kinh phí để tiêu thụ hàng hóa góp phần kéo doanh thu tăng từ 15-20% so với các tháng trong năm"-ông Đức hiến kế.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền đề xuất, thời gian tới ngành công thương Hà Nội đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng.

Đồng thời có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hoá đến khu công nghiệp, các huyện ngoại thành nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho người dân có thu nhập trung bình và thấp...

Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ nên tiết giảm chi phí, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước qua đó bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa giá cả hợp lý, chất lượng mẫu mã sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu qua đó thu hút người tiêu dùng mua sắm.