Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc tích cực chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, Hà Nội đang khuyến khích tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng giá trị từ sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao.

Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP có gần 100.000ha lúa, là một trong những địa phương có diện tích canh tác lúa lớn của cả nước. Mặc dù năng suất bình quân hàng năm khá cao nhưng hiệu quả sản xuất một số diện tích không cao do đất lúa kém hiệu quả; chi phí cho sản xuất ngày càng tăng, đội giá thành, đất trồng lúa có dấu hiệu suy thoái về chất lượng, giảm độ màu mỡ. Vì vậy, việc giảm diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả là nhu cầu tất yếu đối với những vùng khó khăn về nước tưới, vùng vàn cao, vùng xen kẹt giữa dự án thu hồi đất, diện tích ruộng trũng thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão.

 Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn tại xã Minh Đức (huyện Ứng Hòa)

Đối với diện tích chuyên lúa, phù hợp sản xuất lâu dài, Hà Nội khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây lúa để đạt được hiệu quả cao hơn. Các mô hình lúa chất lượng cao, mô hình lúa hữu cơ, mô hình canh tác lúa tiên tiến như "3 giảm 3 tăng", quản lý dịch hại tổng hợp IPM và mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái đang được các địa phương tích cực triển khai sau khi giảm diện tích cấy lúa kém hiệu quả.

Đơn cử tại huyện Ứng Hòa, 5 năm qua, toàn huyện chuyển đổi được 1.017ha đất lúa trũng kém hiệu quả, hình thành các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản. Giá trị thu nhập từ các vùng chuyển đổi đều đạt 300 - 800 triệu đồng/ha, gấp 5 - 7 lần cấy lúa. Đối với diện tích lúa ổn định theo quy hoạch, huyện đi đầu TP trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với giống lúa Nhật J02 hơn 3.000ha/vụ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng diện tích khoảng 20.000ha nhằm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Đối với diện tích còn lại, TP tập trung chuyển hướng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao.

 Cánh đồng lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ

Đáng chú ý, TP sẽ đầu tư, vận động các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thu hút DN liên kết vào bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, TP khuyến khích hợp tác đầu tư sản xuất tập trung theo các mô hình cánh đồng lớn, cung ứng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên... sẽ được mở rộng trên nhiều vùng, thu hút sự tham gia của người dân, thiết lập chuỗi giá trị hiệu quả giữa nông dân, các hợp tác xã và DN; phấn đấu có 70% diện tích lúa hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP với các giống mới chất lượng cao.