Hà Nội: Mô hình chính quyền đô thị mang lại sự hài lòng cho người dân

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị tại hà Nội cơ bản diễn ra thuận lợi, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành Hội nghị giao ban Thường trực HĐND TP với quận, huyện, thị xã.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành Hội nghị giao ban Thường trực HĐND TP với quận, huyện, thị xã.

Tập trung giám sát chuyên đề việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND phường

Theo báo cáo của Thường trực HĐND TP về thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ về “Thí điểm mô hình tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố”, trong đó không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận và thị xã Sơn Tây; bên cạnh đó, một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường, nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã, kết quả cho thấy: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ tại các phường đã đảm bảo phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn. Công tác sắp xếp, bố trí công tác và giải quyết các chế độ chính sách đối với các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường sau sắp xếp, kiện toàn được thực hiện đúng quy định.

Việc vận hành mô hình chính quyền đô thị cơ bản diễn ra thuận lợi, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực. Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân đã được MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đoàn thể xã hội của phường thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh.

Tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND TP với quận, huyện, thị xã đã để  sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội và Nghị định số 32 của Chính phủ về “thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội” 
Tại Hội nghị giao ban Thường trực HĐND TP với quận, huyện, thị xã đã để  sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội và Nghị định số 32 của Chính phủ về “thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội” 

Hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội, ngân sách, quy hoạch ngành, lĩnh vực của địa phương; giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn..., góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội của TP.

Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND có nhiều đổi mới, sôi nổi, tâm huyết đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong cử tri và Nhân dân Thủ đô. Tại các quận và thị xã Sơn Tây, HĐND, Thường trực HĐND và các Ban HĐND đã tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND phường khi không tổ chức HĐND phường; chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và Ủy ban MTTQ tại các phường trong việc giám sát triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và các cơ quan chuyên môn tại quận, thị xã và UBND, Chủ tịch UBND phường.

Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND TP ứng cử tại các quận, thị xã cũng tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề đối với chính quyền cơ sở trong việc thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội tại các phường trên địa bàn các quận; Tổ đại biểu HĐND tại các các quận, thị xã Sơn Tây và các phường đã tăng cường tiếp xúc với Nhân dân, để đại diện cho người dân, lắng nghe mọi ý kiến, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân...

Như vậy, mặc dù không tổ chức HĐND phường, những vấn đề dân sinh bức xúc của cử tri, kiến nghị phản ánh của cử tri đã được đại biểu HĐND quận, thị xã tiếp nhận và đôn đốc trả lời, giải quyết.

Theo đại diện HĐND quận Bắc Từ Liêm, khi thực hiện thí điểm chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 có một số nội dung mới trong việc xây dựng và ban hành nghị quyết, đó là nội dung liên quan đến việc quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách, phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc theo quy định của Luật ngân sách nhà nước; Quyết định chủ trương đầu tư chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công tại các phường trực thuộc theo quy định của Luật Đầu tư công.

Với tính khả thi cao, các Nghị quyết của HĐND đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân. Nội dung Nghị quyết chỉ ra được mục tiêu, giải pháp phù hợp, lộ trình thực hiện cụ thể, nâng cao hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp trong giải quyết khó khăn, vướng mắc, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Tỷ lệ đại biểu chuyên trách ở 3 cấp còn thấp

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND TP cũng chỉ ra một số tồn tại trong thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội như: Số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách tuy đã được bố trí theo quy định của Luật tuy nhiên còn chiếm tỷ lệ thấp ở cả 3 cấp; một số địa phương chưa bố trí đủ theo quy định. Tỷ lệ Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND tham gia cấp ủy còn thấp. Một số đại biểu HĐND cấp huyện chưa chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động, còn nể nang, ngại va chạm; hoạt động chất vấn ở một số nơi chưa nhiều, hiệu quả chưa cao.

Hoạt động của HĐND ở một số địa phương chất lượng vẫn còn chưa cao, hoạt động giám sát của HĐND cấp xã còn có những hạn chế. Mặt khác do cơ cấu đại biểu kiêm nhiệm nên tổ chức Đoàn giám sát còn khó khăn, hiệu quả giám sát chưa cao; Thường trực HĐND, các Ban HĐND ở một số đơn vị còn chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, chưa thật sự quyết liệt trong việc đôn đốc việc thực hiện các kết luận giám sát, thực hiện các kiến nghị của cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Tính chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều đại biểu HĐND còn hạn chế, một số đại biểu chưa phát huy được trách nhiệm của mình trước cử tri, chưa dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động của HĐND.Một số đại biểu kiêm nhiệm còn vắng mặt trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP, thời gian tới, HĐND các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với TP và các quy định khác của pháp luật.

Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng của đại biểu HĐND các cấp TP-nhất là các đại biểu hoạt động chuyên trách và bộ phận giúp việc HĐND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đại biểu và bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tiếp xúc cử tri cũng như cách thức xử lý các vấn đề khi cử tri đề nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND. Đây là vấn đề được đặt lên hàng đầu, là một giải pháp cơ bản góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Cùng đó, tăng cường phối hợp hoạt động đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; đẩy mạnh quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với UBND; nâng cao hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hòa, hướng dẫn, phối hợp hoạt động giữa HĐND TP với HĐND cấp huyện, cấp xã...