Hà Nội: Năm 2022 đã khởi tố hàng trăm bị can liên quan "tín dụng đen"

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/8/2022 toàn TP Hà Nội phát hiện 18 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó, khởi tố 18 vụ, 110 bị can.

Một vụ án được Công an TP Hà Nội phối hợp triệt phá trong năm 2022 với gần 300 đối tượng liên quan (Ảnh: CATP Hà Nội)
Một vụ án được Công an TP Hà Nội phối hợp triệt phá trong năm 2022 với gần 300 đối tượng liên quan (Ảnh: CATP Hà Nội)

Đây là thông tin được gửi đến Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Hà Nội tại báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội.

Tội phạm "tín dụng đen" tiềm ẩn phức tạp, khó lường

Trả lời kiến nghị của cử tri về vấn nạn đòi nợ qua mạng gây mất trật tự an toàn xã hội và việc TP chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết, Công an TP cho biết: Trong 9 tháng năm 2022 hoạt động “tín dụng đen” đã giảm so với thời gian trước, tuy nhiên tội phạm “tín dụng đen” vẫn luôn luôn tiềm ẩn những phức tạp khó lường.

Cầm đầu các băng nhóm phạm tội “tín dụng đen” này là những đối tượng hình sự cộm cán đứng phía sau chỉ đạo, lôi kéo nhiều đối tượng lưu manh mới nổi ở các tỉnh lân cận và trên địa bàn để thực hiện các hành vi: Siết nợ, đòi nợ thuê, đe doạ, khủng bố tinh thần “con nợ”.

Đồng thời, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để tổ chức hoạt động “tín dụng đen” dưới dạng cho vay “vay trực tuyến”, “vay ngang hàng”, huy động vốn, góp vốn... qua các ứng dụng di động (APP) hay các website với nhiều quảng cáo thủ tục vay đơn giản, lãi suất thấp, tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Về kết quả công tác đấu tranh, xử lý, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/8/2022 toàn TP Hà Nội phát hiện 18 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, khởi tố 18 vụ, 110 bị can.

Điển hình là ngày 24/5/2022, Công an TP Hà Nội khám phá băng nhóm tội phạm có tổ chức có tính chất xuyên quốc gia do các đối tượng người Trung Quốc thực hiện. Quá trình điều tra xác định đối tượng Zhang Min (SN: 1986; Quốc tịch: Trung Quốc) cầm đầu nhập cảnh vào Việt Nam tổ chức hàng trăm đối tượng thành lập công ty để cho vay tiền qua các APP điện thoại. Công an TP đã khởi tố tội danh Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản và khởi tố 64 bị can khác liên quan.

Đa phần nạn nhân thường né tránh khai báo

Theo Công an TP, việc giải quyết tình trạng đòi nợ qua mạng xã hội hiện nay gặp một số khó khăn nhất định. Đó là nạn nhân trong các vụ việc cho vay lãi nặng khi tiếp xúc, làm việc với cơ quan Công an thường tỏ rõ thái độ lo ngại, sợ phiền hà vì cho rằng số tiền ít, có thể tự trả được; hoặc sợ các đối tượng cho vay lãi nặng khống chế, đe dọa, trả thù; hoặc sợ cơ quan Công an sẽ làm rõ mục đích các khoản vay sử dụng vào những hoạt động không chính đáng...

Nạn nhân sợ hệ lụy xấu có thể xảy ra đối với bản thân và gia đình, từ đó gây ra nhiều khó khăn đối với cộng tác thu thập chứng cứ, tài liệu xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi. Vì thế, đa phần nạn nhân thường né tránh không khai báo với cơ quan Công an.

Về phía đối tượng, các đối tượng khi cho vay thường ngụy trang, núp bóng dưới hình thức dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính và sử dụng các phần mềm công nghệ (Zalo, Wechat, Viber...) để hoạt động “tín dụng đen”; không thiết lập giấy tờ cho vay hoặc không thể hiện tỷ lệ lãi suất trên các giấy tờ cho vay nên đã phần nào gây khó khăn cho Cơ quan công an trong việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm cho vay lãi nặng của các đối tượng.

Mặt khác, sau khi thực hiện hành vi cho vay nặng lãi, các đối tượng tìm cách cất giấu rất tinh vi các tài liệu như giấy vay, trả tiền... đã gây khó khăn cho Cơ quan Công an trong công tác đấu tranh triệt phá.

Ngoài ra, các ổ nhóm “tín dụng đen” trong quá trình hoạt động ít gây ra các vụ việc trên địa bàn nơi các đối tượng cầm đầu cư trú và nơi đặt cơ sở kinh doanh mà các đối tượng cầm đầu, chủ cơ sở chủ yếu cho đàn em đi gây án ở các địa bàn khác. Đây cũng là nội dung khiến việc thu thập tài liệu đấu tranh gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, khi xảy ra vụ việc vi phạm và bị người vay nợ tố giác thì các đối tượng tìm mọi cách tác động để người vay nợ rút đơn, cản trở hoạt động điều tra, xử lý như: đe dọa; khống chế người vay hoặc đề nghị xóa nợ, giảm nợ, giãn nợ...

Người dân nên tiếp cận nguồn vốn hợp pháp

Trong thời gian tới để giải quyết tình trạng này, Công an TP sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Vận động Nhân dân thận trọng, cảnh giác khi có nhu cầu vay tiền. Khi có nhu cầu vay tiền, người dân nên tiếp cận với nguồn vốn hợp pháp. Đồng thời chủ động phát hiện, phòng ngừa, tố giác tội phạm cho Cơ quan Công an để ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”.

Công an TP sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có liên quan đến dịch vụ cho vay, cầm đồ, đòi nợ trên địa bàn TP Hà Nội. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng, đảm bảo người dân được tiếp cận nguồn vốn, không để tình hình liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân trên địa bàn TP.

Tiếp nhận, giải quyết triệt để các tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đảm bảo các tin báo, tố giác tội phạm đều được tổ chức điều tra, xác minh triệt để, thể hiện sự kiên quyết, nghiêm minh của pháp luật. Trấn áp mạnh mẽ các băng, ổ nhóm côn đồ, hoạt động kiểu xã hội đen, bảo kê, đòi nợ thuê, đưa ra xét xử điểm để tuyên truyền, giáo dục răn đe tội phạm...

Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm gắn với đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động “núp bóng doanh nghiệp”, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.