Tăng cường phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái
Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021, của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025'' xác định mục tiêu tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5 - 3%.
Để đạt được những mục tiêu trên, Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh, tạo bước đột phá và xác định phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu là nền tảng thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tạo việc làm cho người lao động ở nông thôn.
Trong lĩnh vực trồng trọt, nông nghiệp Hà Nội sẽ cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593 ha xuống còn 140.000 ha; mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.907 ha lên 38.000 ha; tăng diện tích cây ăn quả từ 19.390 ha lên 25.750 ha; tăng diện tích hoa, cây cảnh đạt từ 8.500 ha đến 9.000 ha; giữ ổn định diện tích chè 2.500 ha.
Trong thời gian tới Hà Nội sẽ chuyển đổi diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Quản lý và sử dụng hiệu quả đất chuyên trồng lúa, chuyển đổi linh hoạt giữa trồng cây lương thực và cây thực phẩm. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái để đáp ứng nhu cầu của thị trường và phục vụ du lịch Thủ đô.
Hiện nay, nông nghiệp Hà Nội tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ứng dụng giống mới, dùng phân bón hữu cơ vi sinh, cải tiến quy trình kỹ thuật. Thành phố quyết tâm đạt chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%.
Hiệu quả trồng lúa tăng 10 triệu đồng/ha
Phân bón lá hữu cơ là tiến bộ kỹ thuật mới về phân bón được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho phép lưu hành tại Việt Nam. Kết quả bước đầu tại Hà Nam cho thấy sử dụng phân bón lá hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với diện tích lúa đối chứng, nhất là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tôm, cá vẫn có thể sống được dưới các ruộng lúa thực nghiệm dùng phân bón lá hữu cơ PAN.
Cây lúa dùng phân bón lá hữu cơ sinh trưởng và phát triển tốt, bộ lá màu xanh sáng, đẻ nhánh khỏe và tập trung, cứng cây, độ đồng đều cao; bông to, hạt mẩy, số dảnh hữu hiệu, tỷ lệ hạt chắc cao giúp năng suất, hiệu quả kinh tế tăng cao hơn so với lúa đối chứng. Sau những ruộng dùng phân bón lá hữu cơ tại Ninh Bình, kết quả tại Hà Nam cũng cho kết quả tương tự và đang được nhân rộng tại Hà Nam vụ lúa tới.
Trong chuyến thăm mô hình canh tác lúa bằng phân bón hữu cơ mới đây tại huyện Bình Lục, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy rất ấn tượng và cho biết, thực tế kiểm tra tại đồng ruộng sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trên cây lúa đã giúp giảm chi phí, tăng năng suất, giúp bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
So sánh giữa mô hình và ngoài mô hình cho thấy chi phí sản xuất gần tương đương nhau, nhưng năng suất của mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ cao hơn so với ngoài mô hình là 52 kg/sào (360m2). Tại Ninh Bình, Hà Nam trong 2 vụ mùa vừa qua, hiệu quả kinh tế của mô hình ruộng thực nghiệm dùng phân bón lá hữu cơ cao hơn ruộng đối chứng 360.000 đồng/sào (tương đương 10 triệu đồng/ha).
Đối với nông nghiệp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung người nông dân đang xảy ra tình trạng mất cân đối giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ, từ đó dẫn đến tác động tiêu cực đến môi trường cũng như sức khỏe của người dân. Do là phân bón hữu cơ qua lá PAN sẽ góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo sức khỏe của người dân. Đó cũng là một trong những biện pháp để hướng đến việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Mô hình ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phối hợp triển khai trồng lúa bằng công nghệ phân bón thân thiện môi trường trong vụ mùa năm 2021 - 2022, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất đầu vào, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Mô hình sử dụng phân bón lá hữu cơ PAN trong sản xuất lúa gạo với các tỷ lệ dinh dưỡng đa thành phần sẽ góp phần cải tạo đất, đảm bảo môi trường sinh thái đất trong sạch, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Mô hình này đã được triển khai tại các địa phương khác như Nghệ An, Đồng Tháp, An Giang.
Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Hải Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nano Industry Đăng Quang (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Thông qua Báo Kinh tế và Đô thị chúng tôi muốn được hỗ trợ nông dân Hà Nội thử nghiệm dùng phân bón Nano canxi silic tại các ruộng lúa, hoa màu nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giúp bà con giảm chi phí sản xuất đầu vào, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp” .
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm từ 2,5 - 3% trong bối cảnh giảm diện tích sản xuất lúa nông nghiệp, Hà Nội nên sử dụng phân bón lá hữu cơ trong trồng trọt” - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng cho biết.