Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư địa trong nông nghiệp là tri thức số cho doanh nghiệp, nông dân

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết nối thông tin cung cầu, hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc của DN, HTX và nông dân để tiếp cận, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh đang đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.

Đó là thông tin được chia sẻ tại “Diễn đàn kết nối ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” do Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Diễn đàn 970) của Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 4/11 qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phó Tổng Biên tập Báo Nông Nghiệp Việt Nam, thành viên Tổ Điều hành Diễn đàn 970 Lê Trọng Đảm chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Nguyên Dương
Phó Tổng Biên tập Báo Nông Nghiệp Việt Nam, thành viên Tổ Điều hành Diễn đàn 970 Lê Trọng Đảm chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Nguyên Dương

Không thể chậm trễ

Tại điểm cầu chính Báo Nông Nghiệp Việt Nam, Phó Tổng Biên tập, thành viên Tổ Điều hành Diễn đàn 970 Lê Trọng Đảm cho biết, những cụm từ như “chuyển đổi số”, “áp dụng công nghệ cao”, “công nghệ thông minh” đã trở nên quen thuộc, xuất hiện ở nhiều diễn đàn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói: ''Chuyển đổi số là giải quyết nỗi đau của ngành nông nghiệp và người nông dân, xóa đi những “hố đen” của ngành. Phải xác định chuyển đổi số là một cuộc hành trình, áp dụng liên tục. Đoàn tàu chuyển đổi số còn đang loay hoay ở sân ga. Song, không thể chậm trễ hơn được. Các thành viên tham gia diễn đàn hôm nay chính là những hành khách đang mang trên mình tấm vé tàu chuyển đổi số.

Việc chuyển đổi số sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc hạ giá thành, nâng cao giá trị nông sản. Công cuộc chuyển đổi số đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn đó hạn chế. Phải xác định, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là một hành trình, một cuộc tìm kiếm và áp dụng không bao giờ có điểm dừng''.

Tại diễn đàn, Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) Nguyễn Đức Tùng chia sẻ, Đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ số tại Việt Nam đang được Bộ NN&PTNT triển khai đã đề ra được mục tiêu, lộ trình và hướng đi của nông nghiệp Việt Nam trở thành nền kinh tế thực thụ. Trong đó, đảm bảo các thành phần như: Tri thức, công nghệ, lực lượng lao động, phương tiện lao động, thị trường… được liên kết chặt chẽ bởi “Chuỗi liên kết” minh bạch, bình đẳng và cùng có chung một mục đích là tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị thương phẩm cao nhờ ứng dụng công nghệ số.

Tuy đã có lộ trình và hướng đi cụ thể, nhưng vị này chỉ ra, cộng đồng DN, HTX và nông dân ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong chính các thành phần của lộ trình như: Chính sách chưa được đồng bộ; Hạ tầng công nghệ chưa theo kịp với nhu cầu; DN và nông dân chưa được đào tạo, định hướng về việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn của thị trường xuất, nhập khẩu;…

“Để chuyển đổi số và ứng dụng KHCN không phụ thuộc vào thị trường và mang tính tự phát cao, việc xây dựng chương trình đào tạo phát triển nhóm lao động có tri thức cao để hỗ trợ DN và nông dân là rất cấp thiết. Nhóm chủ chốt này sẽ đẩy nhanh quá trình tiếp cận, ứng dụng công nghệ cho các quy trình canh tác, nuôi trồng, chế biến… trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, thay đổi vị thế của nông dân trong nền nông nghiệp nước nhà bằng chuyển đổi số” - Tổng Thư ký VIDA chỉ ra.

Khó khăn bủa vây

Dưới góc độ của mình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hữu cơ An Phú Thuận (Đồng Tháp) Nguyễn Văn Ba chia sẻ, hiện, vấn đề lớn nhất là nông dân phải bỏ tiền ra cho những công nghệ nên sẽ rất khó khăn do điều kiện kinh tế hạn hẹp. Hơn nữa, các công nghệ này đều mới nên nông dân cũng khó tiếp cận. Đặc biệt, trong trang bị máy móc, thiết bị… phải mua hàng loạt nên người dân rất cần sự hỗ trợ.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản. Ảnh: Nguyên Dương
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản. Ảnh: Nguyên Dương

Về sản phẩm OCOP, ông Lê Văn Ba cho rằng, chúng ta phải làm sao để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường. "Hãy để cho nông dân tiếp xúc nhiều hơn sự đầu tư, kinh phí ban đầu để khởi nghiệp. Chúng tôi là những người nhỏ lẻ vào thị trường nên cần sự hỗ trợ, tiếp sức để tham gia chuỗi giá trị" - ông Nguyễn Văn Ba nói.

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty Sài Gòn Kim Hồng Đào Thị Như Hè, DN chuyên nhập các loại máy nông nghiệp từ Hàn Quốc và đang phân phối máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật. Đây là loại máy đơn giản, chất lượng tốt nên DN mong muốn cơ quan chức năng tạo cơ hội để tổ chức các cuộc hội thảo, phổ biến loại máy này đến với nhà nông.

Hiện nay, sau 3 năm thí điểm thì Kim Hồng gặp vấn đề về giá máy cao (450 - 530 triệu đồng), do vậy, để áp dụng cho nông dân gặp khó. Nhà nước hiện có chính sách hỗ trợ 50% vụ đầu, nhưng vụ sau không hỗ trợ nên bà con nông dân không có điều kiện tiếp cận.

“Các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp hỗ trợ để bà con có điều kiện tiếp cận loại máy này. Kim Hồng cũng mong muốn các sở, ban, ngành… lắng nghe để đưa ra phương pháp hỗ trợ bà con” - DN Kim Hồng kiến nghị.

Giải mã “hố đen”

Trước các ý kiến chia sẻ, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Toản cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp nói riêng và áp dụng khoa học công nghệ nói chung là để giải mã, khắc phục những “hố đen” trong sản xuất, trong tư duy.

Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật.
Máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật.

Trong sự tăng trưởng liên tục, tích cực của ngành nông nghiệp, tính trong năm 2022 là 2,8% GDP, kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng đạt 52 - 54 tỷ USD. Do đó, phải đối mặt xu hướng biến đổi tiêu dùng, cạnh tranh trong khu vực, nếu không có những công cụ thích hợp, rất khó phát triển. 12.500 DN vừa và nhỏ rút lui khỏi thị trường. Một trong những vấn đề là chưa có hệ sinh thái ngành hàng, sinh thái thông tin. Chưa có cơ sở dữ liệu đánh giá thị trường, chưa kết nối với nhau.

Do đó, trăn trở đầu tiên là cơ sở dữ liệu. Bộ đang chỉ đạo hai mũi nhọn áp dụng chuyển đổi số là trồng trọt và chăn nuôi. Đầu tiên là mã hóa vùng trồng, mã hóa thức ăn chăn nuôi. Nếu các hợp tác xã không có nền tảng dữ liệu, không có các sản phẩm được định danh, không truy xuất được nguồn gốc, thì gần như không thể đưa hàng hóa lên không gian mạng.

Hiện, mới có khoảng 500 DN Việt Nam đang kinh doanh trên nền tảng Alibaba, năm tới phấn đấu có khoảng 1.000 DN. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là kỹ năng đưa hàng hóa lên mạng. Mỗi hợp tác xã là nền tảng để xã viên tiếp cận cơ sở số hóa dữ liệu. Nâng cao được vai trò của VIDA.

Theo ông Toản, hiện cả nước có khoảng 5.000 làng nghề, trong đó có gần 2.000 làng nghề nông nghiệp. Đây là dư địa rất lớn, cần có cơ sở dữ liệu làng nghề, lan tỏa bằng công nghệ. Khách du lịch đến với làng nghề qua không gian mạng trước tiên, cũng là dữ liệu để chúng ta mang đi thế giới.

Thực tế còn có những khó khăn nhất định trong áp dụng chuyển đổi số. Ông Nguyễn Quốc Toản nêu ví dụ về việc hiện có nhiều phần mềm khác nhau. Cùng là mã số vùng trồng, mã số thức ăn chăn nuôi, song mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm. Tuy nhiên, khi có cách tiếp cận trúng, đầy đủ, sẽ có cách làm đúng.

Mong là VIDA kết nối nhiều hơn nữa với các sở địa phương, tạo chỗ dựa vững chắc cho nông dân. “Dư địa trong nông nghiệp thời gian tới sẽ không đến từ điều kiện tự nhiên. Đó sẽ là tri thức số, tri thức ngành” – ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.