Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022 là hoạt động thường niên, nhằm hiện thực hóa các cam kết của Hà Nội với UNESCO. Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật với gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật…
"Ego - Người" nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 cùng các không gian văn hóa như: Bảo tàng Hà Nội, phố cổ, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Sức lan tỏa lớn
"Ego - Người" của họa sĩ Ngô Xuân Bính tại Bảo tàng Hà Nội đang được đánh giá là hoạt động có sức lan tỏa lớn, thu hút rất nhiều người xem. Nhận xét về “EGO - Người”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: "Đây là một tài sản nghệ thuật đồ sộ của họa sĩ Ngô Xuân Bính. Tôi nghĩ thế kỷ này là thế kỷ của phương Đông, của châu Á và công trình nghệ thuật của họa sĩ Ngô Xuân Bính đã mang đến cho chúng ta những ngữ điệu lạ, những cách nhìn lạ trong một không gian lạ. Phải có một tình yêu Hà Nội lớn lắm, anh mới tổ chức được một triển lãm có cả chiều sâu nghệ thuật lẫn sức sáng tạo, trí tưởng tượng siêu phàm”.
Khoảng sân rất lớn của Bảo tàng Hà Nội đã được họa sĩ ''lấp đầy'' bằng 50 bức phù điêu và tượng, trong đó có bức phù điêu gỗ 4,5 tấn và nhiều bức tượng đá tự nhiên từ 1 tấn trở lên. “Ego - Người” còn chiếm trọn tầng 2 hàng ngàn m2 của Bảo tàng Hà Nội với 17 không gian trưng bày liên thông bày hơn 240 bức tranh và hơn 200 bức tượng gỗ, đá, đồng.
Một ngôi sao sáng
“Không chỉ là một triển lãm tư nhân có quy mô đồ sộ lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội mà “Ego - Người” đã khẳng định họa sĩ Ngô Xuân Bính là một ngôi sao sáng trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại”.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bảo
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần, cất công từ Vinh ra Hà Nội xem triển lãm đã phải thốt lên: “Chưa cần nói đến giá trị nghệ thuật và thông điệp sống của họa sĩ, đến dự triển lãm “EGO - Người”, bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc bởi khối lượng đồ sộ đến không tưởng các tác phẩm, bởi chỉ tính riêng lao động vật lý đã là vượt quá giới hạn của sức người. Không có tiền và không biết cách tổ chức khoa học thì không thể làm được”.
Đô thị và lao động mưu sinh trong phố thị là chủ đề chính không gian sáng tạo của triển lãm “EGO - Người”. Theo họa sĩ, lao động sáng tạo không phải chiếm đoạt, vơ vét, hủy diệt, chế ngự, tự cao tự đại… mà là sự nhận biết, chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng để cân bằng, bình đẳng. Chia sẻ với chúng tôi, họa sĩ Ngô Xuân Bính cho biết: "Nghệ thuật đô thị, bản chất luôn biến chuyển, thúc đẩy sự sáng tạo''.
Nghệ thuật đô thị lấy con người làm trung tâm, biểu lộ những khát vọng. Những tác phẩm có tựa đề “Nguyên Khai” với cặp mắt “Tinh Khôi” con người đi xuyên cõi “Hồng Hoang” vượt qua những “Hồng Hiện”, “Nham Thạch”, “Phong Cảnh”… giành giật sinh tồn, kết nối để sinh tồn mà hình thành nên xã hội - cõi người. Mỗi bức tượng là một câu chuyện ghi lại những tháng năm dài ông lưu lạc nơi đất khách quê người, tự đúc rút, chiêm ngẫm và giờ đây đã được nâng lên thành triết lý sống qua sáng tạo nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân.
Dưới góc nhìn của người đàn ông xứ Nghệ tuổi Bính Thân (1957), là người sáng lập môn phái Nhất Nam, “Ego - Người” không chỉ là cái tôi bản ngã mà có sự chuyển dịch thông điệp mới về “Bản thể cộng đồng”, mà ở đó là mạch ngầm của nguồn cội của dân tộc, mạch dịch chuyển ngầm của văn hóa Việt mà Hà Nội là một phần không thể thiếu.
Trong cái mạch ngầm ấy mỗi con người chúng ta sẽ quay được về với cái ngã của chính mình, điều này thể hiện trong từng tác phẩm điêu khắc của ông. Khuôn mặt người trong các bức tượng đa dạng và thể hiện cái tôi là phần cốt lõi của tính cách, liên quan tới thực tại và chịu ảnh hưởng của tác động cộng đồng. Trong tương lai, khi 80% loài người sẽ tập trung về đô thị và con người thì “Ego - Cái tôi" được hình thành ngay từ khi con người sinh ra và qua tiếp xúc với thế giới bên ngoài, "cái tôi" học cách cư xử sao cho kiểm soát được những ham muốn vô thức không được xã hội chấp nhận.
Ngô Xuân Bính - Tình yêu Hà Nội
"Họa sỹ Ngô Xuân Bính là người tiên phong mở ra xu hướng nghệ thuật đô thị trong thời đại mới, vừa hiện đại, vừa đậm nét truyền thống. Do đó, việc trưng bày các tác phẩm của ông tại Bảo tàng Hà Nội mang đến cho công chúng cách nhìn mới mẻ về điêu khắc đương đại Việt Nam" - họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ thêm.
Triển lãm mở cửa tự do và kéo dài đến hết tháng 3/2023 tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội).
Cả thơ, tranh và tượng của người đàn ông đa tài Ngô Xuân Bính đều có thể đứng độc lập, có những thông điệp riêng. Nhưng trong buổi “Thông linh” giao thoa giữa đất - trời của mùa Đông Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã khiến cho không gian sân trời Bảo tàng Hà Nội trở thành không gian nghệ thuật lớn.
Nhạc phẩm ''Căng buồm lên ra khơi'' và ''Hồn thiêng Hà Nội'' (nhạc Nguyễn Cường, phổ thơ Ngô Xuân Bính) đã làm cho những ai đã yêu Hà Nội, yêu tranh, tượng Ngô Xuân Bính càng thêm yêu mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến này. Âm nhạc, vũ điệu, ánh sáng quyện vào nhau, lan tỏa đến từng tác phẩm điêu khắc của người họa sĩ tài ba sau nhiều năm sinh sống ở Nga, nay chọn Hà Nội làm nơi dừng chân cuối cuộc đời mình.