Sáng nay (28/11), đoàn công tác của Ban Tuyên giáo T.Ư do Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Nguyễn Thị Thu Hà làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và đại diện các sở, ngành TP nhằm khảo sát tình hình thực hiện Quyết định 221-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa X) “Về Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân”. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà chủ trì tiếp đoàn.
Trưởng Phòng Tuyên truyền-Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết: Sau 8 năm triển khai Quyết định 221-QĐ/TW, việc thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết những bức xúc của Nhân dân giữa Ban Tuyên giáo và UBND cùng cấp tại Hà Nội đã phát huy vai trò, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, tạo chuyển biến mạnh trong tổ chức thực hiện các công việc ở cả Ban Tuyên giáo và UBND, UBMTTQ, các sở, ngành. Đặc biệt, đã xác định rõ hơn vai trò quan trọng của công tác tư tưởng trong phát triển kinh tế-xã hội (nhất là trong giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại tố cáo).
Cụ thể, Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Sở TT&TT triển khai hiệu quả Chỉ thị 25 ngày 21/10/2014 của Thành ủy về cung cấp thông tin và trả lời báo chí, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của TP. Trong 8 năm, Ban đã phối hợp tổ chức có hiệu quả, chất lượng hơn 600 hội nghị chuyên đề, tập huấn… để cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên, hệ thống tuyên giáo TP và trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân; chủ động phối hợp với UBND TP và các cơ quan của TP tổ chức biên soạn nhiều ấn phẩm, tài liệu phục vụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của TP. Hệ thống tuyên giáo các cấp cũng huy động tối đa các hình thức, chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền...
Đáng chú ý, trong phối hợp tuyên truyền giải quyết các vấn đề bức xúc của Nhân dân, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu và cùng các cơ quan chức năng TP tổ chức nhiều cuộc họp báo để chỉ đạo, cung cấp thông tin định hướng kịp thời các vụ việc nóng, bức xúc trên địa bàn. Điển hình là việc thông tin ở ngành y tế TP (việc tiêm vắc-xin tại Trung tâm y tế dự phòng, quản lý các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, vụ việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường…); những vấn đề nóng của ngành giáo dục (đồng phục học sinh, thu-chi đầu năm học), các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa… Ban cũng tổ chức đối thoại trực tiếp tại hiện trường cho phóng viên liên quan đến các vụ việc nhạy cảm về GPMB quy tập khu mộ khô tại Tứ Kỳ và đường vành đai 2,5 (quận Hoàng Mai), nút giao thông Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa), vi phạm trật tự xây dựng (huyện Thạch Thất), giải quyết vấn đề tôn giáo ở Núi Chẽ (huyện Mỹ Đức), giải quyết vấn đề phức tạp tại Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức)… Ban cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành TP tổ chức 3 cuộc điều tra xã hội, nắm, định hướng dư luận xã hội.
Tham luận tại đây, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Minh Khánh cho biết, để chấn chỉnh kỷ luật phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP, Sở đã xây dựng và hoàn thành dự thảo quy chế phát ngôn, đang xin ý kiến Thường trực Thành ủy. Sau khi quy chế được ký, Sở sẽ xin ý kiến lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy để bồi dưỡng kỹ năng phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cho cán bộ, công chức. Đại diện các cơ quan thông tin tuyên truyền của TP, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới Nguyễn Hoàng Long thì đề nghị: Để sửa đổi, bổ sung Quyết định 221-QĐ/TƯ trong thời gian tới, cần gắn với quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, xác định được cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin, cùng với định kỳ 3-6 tháng có đánh giá sơ kết, nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho người dân, hạn chế bức xúc…