Ngày 31/3, Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã Quý I/2023, xem xét các vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng hè phố, lòng đường; quản lý, đầu tư chợ; quản lý, khai thác, sử dụng và đầu tư công viên.
Tại hội nghị giao ban, các đại biểu tham luận cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 của UBND thành phố về Phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, trong đó đẩy mạnh công tác đầu tư, cải tạo chợ theo Kế hoạch năm 2023 của UBND thành phố và các Chương trình số 03-CTr/TU và số 04-CTr/TU của Thành ủy.
Nêu thực trạng những bất cập trong công tác quản lý chợ thời gian qua, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an thành phố kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn chú ý đến công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ; phân hạng chợ; chú trọng phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng tại chợ; công tác phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt là chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái và mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ dân sinh.
Chủ tịch UBND phường Việt Hưng (quận Long Biên) Đặng Thúy Vân cho biết, trên địa bàn có 2 chợ dân sinh hoạt động với khoảng 300 hộ kinh doanh thực phẩm, hàng tiêu dùng... Để hướng đến mục tiêu xây dựng chợ văn minh thương mại - an toàn thực phẩm, bà Đặng Thúy Vân cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, chú trọng xây dựng phương án “4 tại chỗ” để bảo đảm an toàn cho các hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn.
Trao đổi về các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, theo quy định thì thành phố chỉ đầu tư chợ đầu mối, còn lại phân cấp cho địa phương. Tiến độ xây dựng chợ theo quy hoạch còn chậm và hình thức đầu tư chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Trong đó, các chợ dân sinh tại các quận, huyện, thị xã có quy mô nhỏ nên rất khó khăn trong việc xã hội hóa vì thu không đủ chi.
“Vì thế, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng chợ dân sinh ở các địa phương. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Những địa phương nào gặp khó khăn về ngân sách đầu tư thì cần sớm báo cáo thành phố để có phương án tháo gỡ. Đối với các chợ loại 1, thành phố cần phải quy hoạch để các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng” - ông Lê Anh Quân nêu quan điểm.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Theo Quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn thành phố có 595 chợ, trong đó có 24 chợ hạng 1 (bao gồm 5 chợ đầu mối); 79 chợ hạng 2; 478 chợ hạng 3. Đến nay, toàn thành phố đang có 453 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 58 chợ hạng 2, 348 chợ hạng 3, 8 chợ phải cải tạo hệ thống phòng cháy, chữa cháy và bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng, 24 chợ đề nghị không phân hạng do chờ giải tỏa. Thành phố cũng có chợ đầu mối Minh Khai, chợ đầu mối phía Nam và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối.
Với sự vào cuộc nghiêm túc của UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn, kết quả công tác quản lý, phát triển chợ đã đạt được những kết quả rõ nét. Cụ thể, toàn thành phố đã phân hạng được 421/453 chợ; chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác được 171/453 chợ; phê duyệt giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng được 381 chợ.
Đáng lưu ý, công tác quản lý về phòng cháy, chữa cháy được tăng cường. Toàn thành phố có 198 chợ thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; 256 chợ còn lại do đơn vị được giao quản lý có trách nhiệm tự đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.