Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo 35 thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi của thành phố; Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản.
Triển khai hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe Báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW trên địa bàn thành phố.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong điểm lại những kết quả nổi bật của thành phố Hà Nội sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Theo đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết số 35-NQ/TW, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nhân dịp này, Phó Bí thư Thành ủy biểu dương các đơn vị, địa phương, cơ quan cũng như các tổ chức Đảng đã triển khai nhiều hình thức, cách thức khác nhau để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Đối với Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023 trên địa bàn thành phố, Phó Bí thư Thành ủy cho biết, đây là năm thứ ba Hà Nội tổ chức cuộc thi. Trên cơ sở đó, thành công không chỉ dừng lại ở số lượng bài dự thi tăng, chất lượng cuộc thi được nâng cao mà còn góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp Nhân dân đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Đồng thời, gắn việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW với các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng liên quan một cách hiệu quả. Đặc biệt chú trọng nắm bắt tình hình dư luận về các vấn đề quan trọng của thành phố cũng như đối với mỗi địa phương để không bị động trong mọi tình huống.
Để lan tỏa Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng như các đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để triển khai cuộc thi năm 2024 tốt hơn, hiệu quả hơn nhằm góp phần lan tỏa ý nghĩa cuộc thi về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đối với các cơ quan báo chí Thủ đô cần nghiên cứu đăng tải các bài viết đoạt giải Cuộc thi của Trung ương và thành phố Hà Nội theo các nhóm vấn đề. Ban Tuyên giáo Thành ủy lựa chọn một số bài đoạt giải có chất lượng biên tập, đưa vào “Sổ tay đảng viên điện tử” để các đảng viên được tiếp cận với các thông tin chính thống này.
Có 56.322 tác phẩm dự thi
Báo cáo kết quả triển khai Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, ngay sau khi tổ chức lễ phát động ngày 23/2/2023, nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động cuộc thi bài bản, khoa học, triển khai công tác tập huấn về cuộc thi từ đó tạo được sức lan tỏa sâu rộng.
Sau hơn 9 tháng phát động, Ban Tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba, năm 2023 của Trung ương đã tổ chức lễ trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc, các tập thể đạt thành tích cao. Thành phố Hà Nội vinh dự là một trong 15 đơn vị đạt giải “Tập thể xuất sắc” và 3 giải khuyến khích; 2 giải triển vọng; 1 giải cho tác giả cao tuổi tiêu biểu và 1 giải cho tác giả nhỏ tuổi tiêu biểu.
Sau hơn 3 tháng phát động (từ tháng 2- 5/2023), cuộc thi đã nhận được 56.322 tác phẩm dự thi, trong đó 18/49 địa phương, đơn vị tham gia thu nhận tác phẩm có số lượng từ trên 1.000 tác phẩm trở lên. Trên cơ sở 5.931 tác phẩm được các đơn vị, địa phương sơ loại và gửi về tham gia dự thi vòng sơ khảo cấp thành phố, Ban Tổ chức đã chọn được 2.457 tác phẩm vào vòng chấm sơ khảo, 128 bài tham gia vào vòng chung khảo.
Sau khi hoàn thành việc chấm thi ở các vòng sơ khảo và chung khảo, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Cuộc thi, Hội đồng Giám khảo họp, đánh giá, xem xét kỹ lưỡng từng tác phẩm, lựa chọn ra được 41/128 tác phẩm xuất sắc nhất để gửi tham gia dự thi cấp Trung ương và trao giải cuộc thi cấp thành phố (tổng số 41 giải).
Cụ thể, thể loại Tạp chí có 13 giải, trong đó có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải khuyến khích. Thể loại Báo gồm 15 giải, trong đó Báo in có 10 giải gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì; 2 giải Ba, 5 giải khuyến khích.
Thể loại báo Điện tử có 5 giải gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 2 giải khuyến khích. Thể loại Phát thanh, Truyền hình và Video có 7 giải, trong đó 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 1 giải khuyến khích. Ban Tổ chức cũng trao giải phụ cho 6 giải, trong đó có 1 giải cho tác giả cao tuổi nhất tham dự cuộc thi; 5 giải triển vọng dành cho tác giả, nhóm tác giả là đoàn viên, thành viên có bài viết chất lượng tốt. Ngoài ra, Ban Tổ chức Cuộc thi trao 10 giải cho các tập thể phát động cuộc thi sâu rộng và nhiều bài viết chất lượng tốt.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho 10 tập thể và 10 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW.