Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Triển khai thực hiện các kế hoạch phục vụ Tết 2021

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/12/2020 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến UBND TP tháng 11 năm 2020.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thế Hùng; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương.
Thu ngân sách Nhà nước đạt 233.517 tỷ đồng, tương đương 83,8% dự toán
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 11 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2020. Theo đó, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố 11 tháng đầu năm đạt 233.517 tỷ đồng, tương đương 83,8% dự toán, bằng 98,9% so với cùng kỳ (nếu tính cả 7.274 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất phải nộp trong 11 tháng đầu năm 2020 dự kiến được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP thì tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố thực hiện 11 tháng đầu năm 2020 là 240.791 tỷ đồng, đạt 86,4% dự toán, bằng 102% so với cùng kỳ).
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến UBND TP tháng 11 năm 2020.
Một số ngành sản xuất chế biến, chế tạo 11 tháng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 530,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 348,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,7% tổng mức và tăng 9,9% (đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 21,5%; lương thực, thực phẩm tăng 16%; hàng may mặc tăng 15,1%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 6,8%...).
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng đạt 47,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng mức và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và giảm 50%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 42,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8% và giảm 7,9%. Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng mức và giảm 47,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 11, các đường bay thương mại quốc tế dần được khôi phục, số lượng hàng hóa thông quan cảng, biển có xu hướng tăng. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch tạo tâm lý an toàn, tin tưởng cho người sử dụng. Hoạt động vận tải trong tháng 11 dần phục hồi tăng trưởng.
Về du lịch, dịch Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, nhưng vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nên Việt Nam chưa mở cửa đón khách quốc tế. Khách đến Hà Nội chủ yếu vẫn là các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư và công dân Việt Nam về nước. Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng 11 ước tính đạt 21 nghìn lượt khách, tăng 0,7% so với tháng trước và giảm 95,1% so với cùng kỳ, trong đó khách đến từ Hàn Quốc đạt 6,2 nghìn lượt khách, giảm 10,5% và giảm 91%; Trung Quốc đạt 3 nghìn lượt khách, tăng 39,5% và giảm 94,6%; Nhật Bản đạt 2,7 nghìn lượt khách, giảm 2,6% và giảm 92,2%.
Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 786 nghìn lượt khách, giảm 80,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách quốc tế đến từ Hàn Quốc đạt 149 nghìn lượt khách, giảm 80,1%; Nhật Bản đạt 67,3 nghìn lượt khách, giảm 79,4%; Trung Quốc đạt 60,5 nghìn lượt khách, giảm 90,6%; Mỹ đạt 54,2 nghìn lượt khách, giảm 76,2%; Pháp đạt 46,7 nghìn lượt khách, giảm 75,8%.
Khách trong nước đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) tháng Mười Một ước tính đạt 35 nghìn lượt khách, tăng 3,2% so với tháng trước và giảm 96,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách trong nước đến Hà Nội ước tính đạt 1.866 nghìn lượt khách, giảm 83,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Thành phố tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện rà soát đánh giá việc ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 năm 2021: Tổ chức chương trình Khởi động cùng SEA Games 31; rà soát các nội dung đăng cai tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11; chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài tham gia SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Tháng 11/2020, Thể thao Hà Nội đạt được 295 huy chương (107 HCV, 89 HCB, 99 HCĐ) tại các giải thể thao thành tích cao trong nước.
Trong tháng 11/2020, Thành phố tiếp tục chỉ đạo duy trì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới song song với phát triển KTXH; đồng thời triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp để chủ động giám sát, xử lý triệt để ngay khi dịch còn ở quy mô nhỏ; chủ động triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng... nhất là tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người.
Thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về an toàn thực phẩm như: kiểm soát các bữa cỗ tập trung đông người; mô hình cảnh báo nhanh; chuyên đề dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện; 14 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 12 quận huyện...
Không để dịch bệnh Covid – 19 bùng phát
Về nhiệm vụ trọng tâm tháng 12/2020, Thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 gắn với đảm bảo an toàn, đẩy mạnh sản xuất lưu thông hàng hóa các tháng cuối năm.
Trong đó, tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, kịp thời cách ly, truy vết các trường hợp nghi nhiễm... đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát.
 Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 11 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 12 năm 2020
Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các chương trình làm việc của Thành ủy và kỳ họp cuối năm của HĐND Thành phố. Tổ chức giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách, biên chế và phát động thi đua năm 2021.
Khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội và HĐND Thành phố về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 ngay sau khi được thông qua; Xây dựng Chương trình hành động năm 2021 để triển khai ngay từ đầu năm 2021.
Tiếp tục thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020; Đôn đốc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách; tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. Phát huy hiệu quả 06 Tổ công tác về đôn đốc thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung thực hiện các đơn hàng sản xuất, kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu về tăng trưởng, xuất khẩu năm 2020. Tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm. Đảm bảo dự trữ, điều tiết nước phù hợp để phục vụ công tác sản xuất và chăm sóc cây trồng vụ đông; phòng chống cháy rừng.
Triển khai thực hiện các kế hoạch phục vụ Tết 2021, trọng tâm là đảm bảo cung - cầu hàng hóa dịp cuối năm, nhất là thịt lợn và thực phẩm thay thế; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá; các chợ hoa, cây cảnh phục vụ tết. Xây dựng kế hoạch tổ chức hội chợ, triển lãm, tổ chức vui chơi, lễ hội phục vụ đón năm mới. Phòng, chống buôn lậu, buôn bán chất nổ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đảm bảo tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; triển khai phương án trang trí đô thị, chiếu sáng; đảm bảo trật tự đô thị; duy trì tốt các dịch vụ cấp thoát nước, thu gom rác thải…
Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phòng, chống các dịch bệnh trên người bên cạnh công tác phòng chống Covid-19.
Giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống. Xây dựng và thực hiện kế hoạch tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; chống đua xe, phòng chống cháy nổ và các tệ nạn xã hội; đảm bảo giao thông thông suốt, vận chuyển hành khách, hàng hóa dịp Tết 2021.

Tăng cường chống dịch Covid-19, không được chủ quan

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong 11 tháng năm 2020. Từng sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã quyết tâm cao với khối lượng công việc lớn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thành phố tiếp tục nghiêm túc quyết liệt hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy về an ninh, chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại, có nhiều kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, nhất là tổ chức đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII thành công. Trong điều kiện khó khăn, thách thức của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố phục hồi và có nhiều kết quả khả quan, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, công tác cải cách hành chính có hiệu quả, hoàn thành và bám sát tối đa các yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, của Thành phố.

"Kết quả này là sự chung sức, đồng lòng tập hợp trí tuệ của cả hệ thống, các sở, ban, ngành, đơn vị vào cuộc hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của cả Thành phố" - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Nêu các nhiệm vụ cần hoàn thành đến cuối năm 2020, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh về kỳ họp HĐND TP diễn ra vào tuần tới, các hoạt động phục vụ Tết Dương lịch, Âm lịch... và đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng chung quyết tâm để trong thời gian còn lại của năm tiếp tục phát huy ý chí, trí tuệ tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý điều hành, chủ động kiểm soát tình hình trên địa bàn.

Với các nhiệm vụ chung, Chủ tịch UBND TP đề nghị toàn bộ nội dung chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, HĐND TP để tham mưu hoàn thiện 10 chương trình công tác của năm 2021, cụ thể hóa văn kiện của Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, chuẩn bị tốt cho kỳ họp HĐND TP vào tuần tới.

Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19; chủ động kiểm soát, tự ý thức phòng bệnh, có phương án tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác chống dịch. Dù đã chủ động nhưng chắc chắn cần tăng cường chống dịch, không được chủ quan.

Với UBND các quận, huyện, thị xã, trên tinh thần phát huy các kết quả đạt được, cần tiếp tục quản lý trật tự xây dựng, chỉ đạo xử lý điểm nóng gây bức xúc dư luận, chủ động khai thác quỹ đất cho năm 2021; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất...

Với các Sở, ngành, đề nghị Sở KH&ĐT chủ động đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, báo cáo những khó khăn, vướng mắc nếu có. Sở Tài chính chủ trì phối hợp thu, chi các dự án BT; quản lý tốt các nguồn thu; đôn đốc hướng dẫn các đơn vị quyết toán các dự án; thực hiện nghiêm các kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước.

Sở Công Thương chủ động kiểm soát bình ổn giá, kiểm soát thị trường; chủ động công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giải. Sở Quy hoạch kiến trúc tập trung cao độ các dự án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Sở Giao thông vận tải tập trung xử lý các điểm đen, các điểm đen về vi phạm an toàn giao thông; tập trung xử lý, phân luồng giao thông phục vụ các sự kiện trọng đại trên địa bàn Thành phố. Sở Văn hóa và Thể thao chú ý trong tình hình kiểm soát dịch, một số hoạt động liên quan quản lý của Sở phải tăng cường kiểm soát về phòng, chống dịch.