Hà Nội vượt khó khăn, ổn định đời sống Nhân dân sau đại dịch Covid-19

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận sự nỗ lực của TP Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, góp phần đưa Hà Nội vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân sau đại dịch Covid-19.

Nâng cao đời sống người dân

Ngày 12/3, Đoàn Giám sát Quốc hội có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài hóa tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì buổi giám sát. Tham gia Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát. Về phía Hà Nội có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP Hà Nội nhận thức ngay được tầm quan trọng và sự cần thiết của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Do đó UBND TP đã ban hành ngay những kế hoạch, chi tiết, cụ thể để các chính sách được triển khai nhanh, rút gọn và thực hiện dễ dàng. Thời gian qua, Thành phố giữ vững và ổn định, đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, cơ bản kiểm soát được nạm phát trong chỉ tiêu đặt ra và đảm bảo được an sinh xã hội cho người dân.

“Hà Nội cũng đã thúc đẩy và đưa ra những cơ chế mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số qua đó cũng tạo ra kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân. Bên cạnh đó, trật tự, an toàn xã hội được nâng cao, việc hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách được kịp thời, thiết thực. TP Hà Nội cũng đã triển khai các nội dung đổi mới việc phân cấp, ủy quyền để tháo gỡ nhiều vướng mắc, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án” - ông Hà Minh Hải cho biết thêm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Đối với dự án đường Vành đai 4, sau gần 1 năm khởi công, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng trên 98%. Đối với 13 khu tái định cư của TP Hà Nội, cũng đã hoàn thành xong 6 khu, còn 7 khu đang ở các mức độ, khối lượng khác nhau, từ 70% đến 90%. Đây là khối lượng giải phóng mặt bằng chưa từng có với nhiều nguồn gốc đất khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, các khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được giải quyết”.

Ông Dương Đức Tuấn thông tin, việc triển khai, xây dựng dự án cũng có một số khó khăn như: Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội được giao làm chủ đầu tư, là đơn vị trực tiếp phê duyệt các thiết bị kỹ thuật và kể cả các nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở. Còn đối với các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh, đều phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng, do đó dẫn đến có độ trễ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bên cạnh đó, dự án thành phần 3, là dự án trung tâm của dự án đường Vành đai 4, có tính chất cực kỳ phức tạp. Việc giải phóng mặt bằng cũng như một dự án thực hiện một quy trình đặc biệt, tách riêng giải phóng mặt bằng”.

Tinh thần đổi mới, thay đổi cách nghĩ, cách làm đối với các công trình trọng điểm lớn

Kết luận tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết: “Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực của UBND TP Hà Nội trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội. Qua đó, góp phần quan trọng đưa Hà Nội vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định đời sống Nhân dân sau đại dịch Covid-19. Đoàn giám sát nhất trí với kết quả báo cáo cũng như những đề xuất kiến nghị của Hà Nội”.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, việc triển khai dự án đường Vành đai 4 được TP Hà Nội triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp đem lại hiệu quả cao. Qua đó thể hiện tinh thần đổi mới, thay đổi cách nghĩ, cách làm đối với các công trình trọng điểm lớn. Đồng thời qua dự án, thấy được sự quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu, đây chính là bài học lớn được tiếp thu và ghi nhận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát đã ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và nhìn nhận những bất cập về chính sách để kiến nghị Quốc hội tại báo cáo giám sát, để có những điều chỉnh phù hợp. Đối với những kiến nghị của UBND TP Hà Nội, Đoàn giám sát ghi nhận như: một số khó khăn vướng mắc trong việc giảm thuế GTGT; một số nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án PPP và đặc biệt quan tâm đến những kiến nghị liên quan đến các chương trình tín dụng ưu đãi, cho vay để giải quyết việc làm và kiến nghị liên quan đến thực hiện dự án đường Vành đai 4.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội.

“Để nghị TP Hà Nội tiếp thu ý kiến của các thành viên của Đoàn giám sát và có ý kiến bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung như: Đánh giá thêm tác động của các chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách giảm thuế cho người dân để hỗ trợ lao động, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Hà Nội có trách nhiệm, báo cáo, bổ sung hiệu quả và tác động của các chính sách an sinh, xã hội đối với những đối tượng thụ hưởng trực tiếp…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các bộ, ngành cũng có trách nhiệm hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh triển khai dự án đường Vành đai 4, để sớm đưa vào khai thác, phục vụ đời sống Nhân dân.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tại buổi làm việc với Đoàn Giám sát Quốc hội, TP Hà Nội tiếp thu những ý kiến đóng góp cũng như hoàn thiện, đánh giá sâu sắc các nội dung báo cáo về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đối với dự án đường Vành đai 4, Hà Nội cam kết tập trung huy động toàn bộ các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai dự án.