Hà Nội:Bố trí gần 94.000 tỷ đồng cho giáo dục, y tế, tu bổ di tích

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 17/2, Ban chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP Hà Nội đã chủ trì Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn-Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu kết luận Hội nghị.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn-Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu kết luận Hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn-Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn- Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo điều hành Hội nghị.

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; cùng đại diện các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Sở KH&ĐT-Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cho biết, Kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 thực hiện đầu tư 3 lĩnh vực trên TP là gần 94 nghìn tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn ngân sách cấp TP trên 49 nghìn tỷ đồng và kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện là trên 44 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, ngân sách TP đã bố trí 769 dự án (đạt 58,7% kế hoạch) với số vốn 15.156,2 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch). Cụ thể, cấp TP đã bố trí 23 dự án với số vốn 1.649,5 tỷ đồng (đạt 10,4%); ngân sách cấp TP hỗ trợ cấp huyện đã bố trí 746 dự án (đạt 68,8%), với số vốn 13.506,7 tỷ đồng (đạt 62,2%).

Về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu gắn với kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT, đến nay tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn TP là 72,1%. Trong lĩnh vực y tế, hiện có 22.796 giường bệnh, đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân (chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân). 100% trạm y tế trên địa bàn TP đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đối với lĩnh vực di tích, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt, khoảng 70% di tích quốc gia, được tu bổ, tôn tạo. Hàng năm, có khoảng 20% di tích cấp TP xuống cấp được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa.

Đại diện Sở KH&ĐT làm rõ thêm một số nội dung tại Hội nghị
Đại diện Sở KH&ĐT làm rõ thêm một số nội dung tại Hội nghị

Kết quả thực hiện theo tiến độ các dự án cấp TP quản lý: Trong giai đoạn 2021-2025 dự dự kiến triển khai có 232 dự án đầu tư công và 4 dự án xã hội hóa bệnh viện. Đã giao các đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 165/232 dự án đầu tư công.

Trong lĩnh vực giáo dục có 139 dự án, hiện đã giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 72 dự án; 48 dự án đã duyệt chủ trương đầu tư, trong đó 22 dự án đã phê duyệt; 15 dự án đã khởi công thực hiện (trong đó: đã hoàn thành 12 dự án, 3 dự án dự kiến hoàn thành 2023).

Lĩnh vực y tế có 39 dự án, trong đó có 35 dự án vốn ngân sách, đến nay 5 dự án đang thực hiện chuyển tiếp; 30 dự án đã giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; 12 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư,  6 dự án đã phê duyệt và 5 dự án đang đầu tư xây dựng (trong đó có 1 dự án đã hoàn thành); 23 dự án đang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Lĩnh vực tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa có 58 dự án đã giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 58 dự án (trong đó 9 dự án sẽ phân kỳ đầu tư sau năm 2025); đã duyệt chủ trương đầu tư 12 dự án; 9 dự án đã được phê duyệ); 6 dự án đã thực hiện đầu tư (trong đó: đã hoàn thành 4 dự án, 2 dự án dự kiến hoàn thành năm 2023).

Kết quả thực hiện theo tiến độ các dự án cấp huyện: Có 1.083 dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 (150 dự án triển khai sau năm 2025). Đến nay, 910 dự án đã duyệt chủ trương đầu tư (84%), trong đó có 803 dự án đã được phê duyệt; đã khởi công thực hiện 414 dự án; đã hoàn thành 199 dự án; dự kiến hoàn thành trong năm 2023 thêm 214 dự án.

Theo Sở KH&ĐT, hiện nay việc triển khai kế hoạch đang còn một số khó khăn, vướng mắc ở cấp quận, huyện thị xã về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; Năng lực tư vấn dự án tu bổ, tôn tạo di tích còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; Việc kêu gọi xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo các dự án di tích còn hạn chế. Với một số quận nội thành, quỹ đất dành cho trường học trên địa bàn rất hạn chế, do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng đạt tiêu chí trường công lập đạt chuẩn quốc gia khó khăn; Một số trạm y tế chưa có bác sỹ đủ tiêu chuẩn theo quy định; việc thu hút nhân lực (nhất là lực lượng bác sỹ) về làm việc các tuyến y tế cơ sở còn hạn chế...

Đại diện các đơn vị báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn
Đại diện các đơn vị báo cáo về tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn

Một số quận, huyện, thị xã đề xuất TP xem xét hỗ trợ cho các dự án di tích sau năm 2025 ở giai đoạn 2021-2025 do các dự án này hoàn thiện hoặc sớm hoàn thiện được thủ tục đầu tư;  Đề xuất TP bổ sung, hỗ trợ mục tiêu cho các dự án khi phê duyệt dự án có tổng mức đầu tư lớn hơn dự kiến nguồn vốn tại Nghị quyết 02/NQ-HĐND), thực hiện điều hòa kế hoạch vốn các dự án trong Nghị quyết 02/NQ-HĐND.

Sở KH&ĐT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương lập và trình HĐND cùng cấp phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc danh mục đã đc HDND TP thông qua tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐND; Các dự án không đảm bảo tiến độ nêu trên, yêu cầu báo cáo theo danh mục và có tiến độ cụ thể từng dự án, báo cáo Ban Chỉ đạo và đề xuất kiến nghị giải quyết. Đối với các dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí vốn, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu và thực hiện các dự án, đảm bảo tiến độ đề ra.

Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc rà soát lại nguồn vốn  đầu tư công bố trí thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực. Cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng cho từng dự án; chủ động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án theo thẩm quyền...

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn-Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của TP nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, các Chương trình công tác của Thành ủy trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa là nội dung hết sức quan trọng. Những kết quả bước đầu đạt được đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm túc của Ban Chỉ đạo trong triển khai nhiệm vụ này.

Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo; UBND các quận, huyện, thị xã, Giám đốc các sở, ngành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung quyết liệt, chủ động thường xuyên rà soát các nội dung tồn tại, phối hợp với các địa phương, đơn vị để giải quyết và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Trong đó, các đơn vị tập trung chủ động rà soát các hạng mục, nhiệm vụ để cơ quan thường trực là Sở KH&ĐT tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các đơn vị, làm rõ kết quả thực hiện và cập nhật tiến độ thường xuyên, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo. Đồng thời, cơ quan thường trực phát huy vai trò, chỉ đạo thực hiện, theo dõi việc thực thi nhiệm vụ của các quận, huyện, thị xã để Ban Chỉ đạo kịp thời biểu dương đơn vị làm tốt, nhắc nhở đơn vị làm chưa tốt.