Hà Tĩnh: Chủ động ứng phó với mưa lũ

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Do ảnh của áp thấp nhiệt đới, những ngày qua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Trước tình hình đó, địa phương đang chủ động triển khai nhiều phương án ứng phó với lũ lụt có thể xảy ra.

Năm 2022 tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở tỉnh Hà Tĩnh  ước tính khoảng 220 tỷ đồng
Năm 2022 tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở tỉnh Hà Tĩnh ước tính khoảng 220 tỷ đồng

Hà Tĩnh có nhiều đồi núi, khe suối, mỗi khi mưa lớn kéo dài thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong đợt này, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên những ngày qua trên địa bàn đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa đo được tại một số trạm đo mưa tự động từ 100 đến 212mm.

Ông Nguyễn Đăng Phú ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn chủ động theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, sẵn sàng sơ tán phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất.
Ông Nguyễn Đăng Phú ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn chủ động theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, sẵn sàng sơ tán phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay gia đình ông Nguyễn Đăng Phú ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn chủ động theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lớn xảy ra trên địa bàn. Vấn đề mà ông quan tâm nhiều nhất đó là nguy cơ sạt lở đất tại núi Hố Váy, nơi mà trong đợt mưa lũ 2022 một khối lượng lớn đất đá đổ sập xuống sát tường nhà và chuồng trại chăn nuôi hươu.

“Sạt lở đất rất khó lường và có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, những ngày này gia đình tôi luôn chủ động, sẵn sàng các phương án sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn, phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra”, ông Nguyễn Đăng Phú cho biết.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn trên diện rộng, các cơ quan, địa phương, đơn vị ở tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống lũ lụt, sạt lở đất, đảm bảo an toàn trong khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển. Triển khai lực lượng xúc kích kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cảnh báo sạt lở đất ven sông Ngàn Trươi đoạn qua xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang.
Cảnh báo sạt lở đất ven sông Ngàn Trươi đoạn qua xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang.

“Tại khu tái định cư Hói Trung có 13 hộ nhà ở sát vách núi cao, ngoài ra trên địa bàn còn có nhiều hộ dân ở thôn 1 và thôn 6 bạt núi, san nền xây dựng nhà ở. Địa phương đã chủ động tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, nắm số điện thoại để giữ thông tin liên lạc, sẵn sàng các phương án hỗ trợ di dời khi chẳng may xảy ra sạt lở, phòng ngừa thiệt hại về người, tài sản”, ông Nguyễn Hùng Cường- Chủ tịch UBND xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang cho biết.

Mưa lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất ở vùng đồi núi.
Mưa lớn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất ở vùng đồi núi.
Ngày 25/9, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện tập trung ứng phó với  áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên địa bàn.
Ngày 25/9, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện tập trung ứng phó với  áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên địa bàn.

So với những năm trước, năm nay ở Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, kéo dài, hạn hán diễn ra trên diện rộng. Theo đó, mưa lũ đến muộn hơn và được nhận định là có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là nguy cơ xảy ra những trận lũ lớn ở vùng thấp trũng và sạt lở đất vùng đồi núi.

“Ngày 25/9, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện gửi các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các địa phương, doanh nghiệp về tập trung ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên địa bàn. Chủ động triển khai ngay các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra”, đại diện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh thông tin.