Hành khách mua vé “chuyến bay giải cứu” có được giải quyết quyền lợi?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Một chuyến bay giải cứu đưa công dân từ Châu Âu về nước, tháng 7/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Một chuyến bay giải cứu đưa công dân từ Châu Âu về nước, tháng 7/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Câu hỏi

Trong phần tuyên án vụ “chuyến bay giải cứu”, HĐXX có chỉ ra hướng giải quyết quyền lợi của các hành khách đã mua vé của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Theo đó, các công dân đã mua vé có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải quyết quyền lợi cho mình theo quy định pháp luật. Vậy, các hành khách mua vé “chuyến bay giải cứu” được giải quyết quyền lợi thế nào?

Trả lời

Tòa án nhận định như vậy là đúng bởi đây là vụ án hình sự xử lý về một số tội danh mà viện kiểm sát truy tố theo thủ tục tố tụng hình sự. Trong đó, những công dân về nước không được xác định là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không được tòa án triệu tập để giải quyết.

Tòa án có giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự này, tuy nhiên việc giải quyết những vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải dựa trên các nguyên tắc của pháp luật. Những tài sản, được giải quyết trong vụ án này là số tiền đưa hối lộ, số tiền chạy án, tài sản do phạm tội mà có và tài sản của các bị cáo để đảm bảo thi hành án.

Về phần dân sự, tòa án giải quyết đến tài sản sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, tài sản do phạm tội mà có và những tài sản đứng tên các bị cáo đã bị bị kê biên, niêm phong để đảm bảo thi hành án.

Khác với các chuyến bay giải cứu do Nhà nước tổ chức (người dân về nước chỉ phải thanh toán vé máy bay, còn mọi chi phí khác do nhà nước chi trả) thì chuyến bay combo là do doanh nghiệp tổ chức nên có sự thoả thuận về tổng chi phí phát sinh khi công dân về nước và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như cách ly y tế, xét nghiệm...

Mặc dù về nguồn gốc có thể là tiền của công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước chi trả cho các đơn vị tổ chức chuyến bay nhưng khoản tiền này đã được chuyển giao bằng quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, đang không có tranh chấp, chưa bị tuyên bố vô hiệu nên các đơn vị tổ chức chuyến bay có toàn quyền sử dụng số tiền này.

Mối quan hệ giữa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trên các chuyến bay combo với các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay là quan hệ dân sự, kinh tế.

Pháp luật không quy định về mức giá, về chi phí nên rất khó có thể xác định được số tiền đó là thu nhiều hay ít, đắt hay rẻ, có quá quy định hay không. Thực tiễn cho thấy vào thời điểm dịch bệnh như vậy, rất nhiều người sẵn sàng chi trả số tiền lớn để được trở về Việt Nam. Thậm chí có trường hợp đã thuê cả một chuyến bay riêng để được về nước. Chính vì vậy rất khó có thể xác định được việc thu tiền là trái pháp luật, bất hợp pháp, đây là sự thỏa thuận dân sự tự nguyện và đang không có tranh chấp.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật Chính Pháp

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn