Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành trình đến với thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua tài sản trí tuệ

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh toàn cầu đang phải nỗ lực đương đầu với đại dịch Covid-19, phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề, thông điệp cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đã được lựa chọn là "Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với sở hữu trí tuệ - mang ý tưởng của bạn đến với thị trường".

Mỗi ý tưởng là một tài sản trí tuệ
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), mỗi hoạt động kinh doanh bắt đầu từ một ý tưởng. Mỗi trong số hàng triệu Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động hàng ngày trên khắp thế giới đã bắt đầu từ một ý tưởng và khi được nuôi dưỡng và làm phong phú bằng sự khéo léo, bí quyết kỹ thuật..., một ý tưởng sẽ trở thành một tài sản trí tuệ có thể dẫn hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp, sự phục hồi của nền kinh tế và sự tiến bộ của nhân loại.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một cấu phần lớn trong nền kinh tế đang đóng vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia, giúp các nền kinh tế phục hồi và trụ vững. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 90% tổng số doanh nghiệp trên toàn thế giới, đóng góp 40% GDP. Tại Việt Nam, con số này lần lượt là 97 và 45%.
Tại Việt Nam, trong năm 2020, chính những Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhân tố bền bỉ, vững vàng, có sức đề kháng mạnh mẽ trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần giúp cho nền kinh tế đất nước đứng vững và có bước tăng trưởng. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những doanh nghiệp có tiềm năng nắm bắt cơ hội mà sở hữu trí tuệ có thể đem lại tốt nhất trong bối cảnh này. Với sự khéo léo, sáng tạo và dũng cảm, các SME có thể biến các ý tưởng thành các tài sản trí tuệ, đưa các tài sản trí tuệ ra thị trường, tạo ra lợi nhuận và những giá trị kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã lựa chọn Doanh nghiệp nhỏ và vừa để tôn vinh và khuyến khích trong Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021.
Hệ thống sở hữu trí tuệ về bản chất là để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu cho hoạt động thương mại và đầu tư của doanh nghiệp nói chung và các Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.
Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang có những nỗ lực trong công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm góp phần thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sáng tạo, hình thành, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
Giúp Doanh nghiệp nhỏ và vừa dần khắc phục khó khăn
Hà Nội là địa phương có khối lượng tài sản trí tuệ lớn và đa dạng. Để khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn Thành phố, trong những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Thành phố.
Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới làm cơ sở thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Chủ động hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp khoa học, công nghệ; giai đoạn 2016 - 2020 cấp 60 giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, gấp 2 lần giai đoạn 2010 - 2015.
Ông Lê Ngọc Anh - Co-Founder của Công ty CP Công nghệ và thương mại quốc tế Anh Tú giới thiệu sản phẩm nổi bật của Công ty.

Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Có 1.216 doanh nghiệp được hướng dẫn công bố, hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến; 52 nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký bảo hộ. Đến nay, Hà Nội cũng đã có 93 doanh nghiệp KH&CN được đăng ký chính thức.
Theo ông Lê Ngọc Anh - Co-Founder của Công ty CP Công nghệ và thương mại quốc tế Anh Tú, những quy trình, thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ được xây dựng theo hướng ngày một đơn giản hóa, thân thiện với người sử dụng và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật được xây dựng, nâng cao chất lượng xác lập quyền, tăng cường năng lực của hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung, nhằm xử lý một cách nhanh nhất và chính xác nhất yêu cầu của người nộp đơn.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, năm 2020, các cấp ngành của Hà Nội đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động trên hầu hết các mặt, trong đó có các kết quả nổi bật như lượng đơn xác lập quyền đơn sáng chế tăng 20%, đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 7,5%.
Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến từ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh đã tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp này về hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi, chất lượng của công tác xử lý đơn được nâng cao, góp phần thúc đẩy thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế đất nước.