Samsung đối mặt khó khăn trong vấn đề cải tổ bộ máy lãnh đạo. |
Theo đó, tập đoàn Samsung đã phải hoãn vô thời hạn vấn đề cải tổ bộ máy quản lý đáng nhẽ được thực hiện vào tuần đầu tiên của tháng 12 hàng năm. Bên cạnh đó, “ông lớn” ngành điện tử Hàn Quốc đã phải trì hoãn một vài sự kiện quan trọng vào cuối năm nay, do tác động từ việc Quốc hội thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Park Geun-hye.
Được biết, việc trì hoãn vô thời hạn vấn đề cải tổ bộ máy lãnh đạo tập đoàn là do ảnh hưởng từ vụ điều tra, trong đó, Samsung cùng nhiều tập đoàn lớn khác bị cáo buộc liên quan tới những khoản đóng góp nhằm đổi lấy lợi ích kinh doanh từ bà Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Park Geun-hye. Bà Choi cũng bị cáo buộc can thiệp quá mức vào công việc bảo mật quốc gia mặc dù không có vị trí gì trong chính phủ.
Một tuần trước đó, Phó Chủ tịch Lee Jae-yong của Samsung cùng nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn khác đã phải trải qua phiên điều trần trước Quốc hội về những cáo buộc rằng, các tập đoàn này đã ủng hộ một khoản tiền lớn vào hai quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports do bà Choi sáng lập.
Theo đó, tập đoàn Samsung cũng bị cáo buộc nhận được hỗ trợ từ Quỹ Hưu Trí Nhà Nước tại Seoul (NPS) cho việc sáp nhập hai công ty Samsung C&T Corp và Cheil Industries Inc, bất chấp sự phản đối của các nhà đầu tư nước ngoài. Việc này được cho là kế hoạch “mở đường” cho Phó Chủ tịch Lee Jae-yong tiến gần chiếc ghế Chủ tịch tập đoàn Samsung.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Samsung, Hyundai cùng 6 tập đoàn khác thừa nhận có đóng góp hàng triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận Mir và K-Sports của bà Choi nhưng khẳng định họ không làm điều này để đổi lấy sự ưu ái từ chính quyền bà Park. Tuy nhiên, ông Huh Chang-soo, Chủ tịch Tập đoàn GS và cũng là Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, thừa nhận các công ty rất khó từ chối yêu cầu của chính phủ.