Đề cập đến việc thu hút quảng cáo tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiệu quả thực tế rất thấp. Ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích, các điểm dừng chỉ có một tấm biển kích thước 60cm x 80cm hoặc 60cm x 100cm, dùng để niêm yết tên và lộ trình tuyến buýt, hoàn toàn không thể khai thác quảng cáo. Còn với lượng nhà chờ chỉ chiếm 12,8% toàn mạng lưới, dù có khai thác được, doanh thu cũng rất thấp. Một số vị trí còn khó thu hút quảng cáo, thương mại do đặt ở khu vực ngoại thành, thưa dân cư.
|
Biển quảng cáo được lắp tại nhà chờ bến xe buýt Long Biên. Ảnh: Thanh Hải |
Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Ngô Xuân Phú cho hay, hiện nay, toàn bộ hệ thống nhà chờ xe buýt đã được UBND TP giao cho đơn vị quản lý và thu hút nguồn vốn xã hội hóa để phát triển. Tuy nhiên, Transerco vẫn đang gặp một số khó khăn trong thu hút nhà đầu tư, kêu gọi quảng cáo, dẫn đến tốc độ phát triển nhà chờ khá chậm. Trong một năm qua Transerco mới chỉ phát triển thêm được 8 nhà chờ. Bên cạnh đó, việc duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ kết cấu hạ tầng điểm dừng, nhà chờ cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đặc biệt với nhà chờ, việc bị phá hoại, hư hỏng kết cấu ảnh hưởng trực tiếp đến pano, hình ảnh quảng cáo của DN. Một số nơi trong nội thành, nhà chờ đặt trước cửa các nhà dân, cửa hàng, cơ quan còn bị phản đối kịch liệt, thậm chí bị ngầm phá hoại hoặc phải di chuyển. Tình trạng bất ổn đó khiến việc thu hút quảng cáo trên hệ thống nhà chờ càng thêm khó khăn. Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc “ế” quảng cáo tại một số nhà chờ như thiếu kích thước, quy chuẩn chung cho nhà chờ cũng khiến các đơn vị muốn đầu tư, khai thác gặp những khó khăn nhất định.
"TP Hà Nội cần yêu cầu nhà đầu tư cam kết phải làm hoàn thiện cả hệ thống chứ không thể chỉ chọn những khu vực trung tâm, đông dân cư để xây dựng nhà chờ, bán quảng cáo, còn vùng ngoại vi thì bỏ mặc. " - Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành |
Trong khi đó, nguồn kinh phí từ khai thác quảng cáo tại các nhà chờ được đánh giá là một nguồn lực rất quan trọng để đầu tư nâng cấp dần các điểm dừng xe buýt lên thành nhà chờ, nhằm phục vụ tốt hơn cho hành khách. Việc khai thác kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng tiêu cực trở lại quá trình này, dẫn đến chậm nâng cao chất lượng xe buýt nói chung, khó thu hút người dân đến với vận tải công cộng.
Tạo cơ chế tốt để tìm kiếm đối tácChuyên gia quản lý đô thị Đinh Quốc Thái đặt vấn đề, hiện TP rất muốn thu hút nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, nâng cấp hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt. Nhưng muốn đạt được mục tiêu đó, TP cần có những quyết sách đột phá và cơ chế phù hợp để kêu gọi nhà đầu tư.
Ông Thái phân tích, giả sử nhà đầu tư muốn nâng cấp các điểm dừng thành nhà chờ trên những tuyến đường đông người qua lại như QL1 cũ, QL21B, QL32… nhưng lại không có hành lang pháp lý thuận lợi, không được các cơ quan quản lý đường sắt, thủy lợi, đê điều… đồng thuận thì không thể làm được. “Với một hệ thống điểm dừng, nhà chờ còn nhiều yếu kém, chưa có những chính sách ưu tiên phát triển như hiện nay sẽ khiến nhà đầu tư ngần ngại” - ông Thái nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với số lượng lên đến 2.900 điểm mà mới chỉ có 12,8% là nhà chờ, tiềm năng khai thác của hệ thống dừng chờ xe buýt còn rất lớn. Vấn đề là phải có cơ chế tốt để vừa khuyến khích nhà đầu tư, vừa đảm bảo quản lý hiệu quả cả hệ thống. Thạc sỹ Quản lý đô thị Phan Trường Thành đề xuất, Hà Nội có thể kêu gọi các nhà đầu tư vào để họ xây dựng hệ thống nhà chờ một cách bài bản, hiện đại. Sau đó cho họ quyền lợi khai thác quảng cáo, từ đó để bù lại chi phí xây dựng. Như thế cả TP và nhà đầu tư đều có lợi.
Cùng với đó, các đơn vị quản lý cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ kết cấu hạ tầng xe buýt. Giữ gìn được các điểm dừng, nhà chờ sạch đẹp, an toàn mới có thể tạo điều kiện tối đa cho hành khách tiếp cận xe buýt, thu hút người dân đến với vận tải công cộng. Mặt khác, đó cũng là để bảo đảm cho những hình ảnh quảng cáo của DN không bị phá hoại, hư hỏng, phát huy hiệu quả thương mại tối đa nhằm thu hút đầu tư vào hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt của Hà Nội.