Nam thanh nữ tú nhập viện
Tại BV Bạch Mai, trong 2 năm trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện do hít bóng cười và các chất ma túy đều gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhập bệnh nhân ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, và ngộ độc ma túy dẫn tới tổn thương thần kinh. Đối với bệnh nhân hít bóng cười, đa số đều nhập viện khi cơ thể có cảm giác tê bì, đi không vững, phấn khích, ức chế thần kinh...
Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai thời gian gần đây tiếp nhập nhiều bệnh nhân ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, và ngộ độc ma túy dẫn tới tổn thương thần kinh. |
Trường hợp điển hình là một thanh niên 21 tuổi, sau khoảng 6 tháng hít bóng cười liên tục đã phải nhập viện điều trị. Theo lời kể của bệnh nhân, hầu như ngày nào bệnh nhân này cũng hít hàng chục quả bóng cười để cảm nhận được sự “sảng khoái đã đời". Khi nhận thấy có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì 2 bàn tay, đôi lúc có cảm giác tê bì lan đến ngực, bệnh nhân mới đi khám.
Hay một trường hợp khác, là một nam thanh niên 26 tuổi bị rối loạn cảm giác, vận động sau hơn một năm chơi bóng cười. Bệnh nhân cho biết, ban đầu chỉ dùng 1-2 quả một lần và có cảm giác “phê”. Dần dần số lượng anh dùng ngày càng tăng, có thể lên tới 20-30 quả cho một lần chơi và thường xuyên hít khí. Thanh niên này bị tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống. Đây là một trường hợp điển hình của ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.
Tại Trung tâm chống độc cũng từng điều trị cho một nữ bệnh nhân 16 tuổi, người mệt mỏi, cơ lực yếu hơn bình thường, đặc biệt hai chân yếu khiến việc đi lại khó khăn. Bệnh nhân hít bóng cười trong 6 tháng, mỗi lần hít hàng chục quả.
Rất nguy hiểm
Theo các chuyên gia, ở nhiệt độ bình thường, N2O là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ. Ở nước ngoài loại khí này được dùng trong nha khoa, y khoa, bằng cách nitơ trộn với oxy và cung cấp thông qua một mặt nạ, mục đích để giảm đau, giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái, không sợ hãi. Nhưng chất này được quản lý chặt chẽ, không phải mua bán công khai, thoải mái như ở Việt Nam. Ở nước ta, loại khí này hiện không nằm trong danh mục quản lý đặc biệt, không phải chất ma túy. Nhiều người trẻ dùng thử vì tạo cảm giác phê, lâng lâng và cho rằng không nguy hiểm như thuốc lắc hay ma túy đá.
TS La Đức Cương - nguyên Giám đốc BV Tâm thần T.Ư cũng cho biết, bệnh nhân đến viện trong các độ tuổi khác nhau, chủ yếu là người trẻ, đang trong độ tuổi đi học và lao động, thậm chí có trường hợp còn đang là học sinh cấp 3. |
Song, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Sau khi hít khí N2O, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu tình trạng xảy ra trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Người dùng còn có nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim. Với những người đang lái xe có dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm.
TS La Đức Cương - nguyên Giám đốc BV Tâm thần T.Ư cũng cho biết, BV tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc do hít bóng cười. Bệnh nhân đến viện trong các độ tuổi khác nhau, chủ yếu là người trẻ, đang trong độ tuổi đi học và lao động, thậm chí có trường hợp còn đang là học sinh cấp 3. “Sử dụng bóng cười nhiều và lạm dụng sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ. Một số nước trên thế giới quy định cấm bán N2O cho người dưới 18 tuổi hoặc coi việc kinh doanh khí cười là bất hợp pháp” - TS La Đức Cương nói.
Cũng theo TS Cương, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc. Và khi đã quá quen cảm giác "phê" ảo giác của bóng cười, người dùng sẽ cảm thấy nó không tạo ra nhiều kích thích nữa, lúc này họ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác"phê" mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc. Khi dùng nhiều lần sẽ để lại nhiều hậu quả trên thần kinh (tổn thương não, di chứng của xuất huyết não, thiếu máu não), tim mạch (suy tim, bệnh cơ tim, hẹp mạch vành nhiều vị trí), tâm thần (trầm cảm, các dạng rối loạn tâm thần)…Nếu bệnh nhân ngộ độc nặng, dễ gây tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, giới trẻ nên tránh xa bóng cười, ngay cả khi sử dụng một lần cũng không nên, bởi dùng một vài lần sễ gây nghiện, và lần sau lại hít nhiều hơn lần trước, dẫn đến khó bỏ.
(Còn nữa)