Hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 70 năm kể từ ngày Thủ đô được giải phóng (10/10/1954 – 10/10/2024), TP Hà Nội hôm nay đã có diện mạo mới hiện đại, năng động với nhiều động lực tăng trưởng đang được khai thác hiệu quả.

Điều này cho thấy Hà Nội đang vươn mình bứt phá để xứng đáng với vai trò, vị trí là Thủ đô và một đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thành phố Hà Nội hôm nay đã có diện mạo mới hiện đại, năng động với nhiều động lực tăng trưởng đang được khai thác hiệu quả. (Ảnh: Phạm Hùng)
Thành phố Hà Nội hôm nay đã có diện mạo mới hiện đại, năng động với nhiều động lực tăng trưởng đang được khai thác hiệu quả. (Ảnh: Phạm Hùng)

Những bước phát triển vượt bậc

Theo các tư liệu lịch sử, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo TP. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.

Tiếp đó, khi đất nước thống nhất sau những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. 16 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận” và triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội với nhiều thành tựu nổi bật. Đời sống kinh tế của người dân từ ngoại thành đến nội thành no ấm và hạnh phúc hơn. Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

 

Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hà Nội giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm; giai đoạn 2011- 2022 (theo quy mô điều chỉnh), GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; năm 2023, GRDP tăng 6,27% so với năm trước.

Có thể thấy, sau 70 năm kể từ ngày được giải phóng TP Hà Nội ngày nay đã có bước thay đổi lớn về diện mạo đô thị cũng như ở nông thôn. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 70 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư đã góp phần từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước đã giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

70 năm qua, kinh tế - xã hội của Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc. Theo số liệu mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 17/8, GRDP của TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6%, bình quân 3 năm 2021 - 2023 tăng 6,04% - cao hơn khoảng 1,16 lần mức tăng của cả nước.

Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Thủ đô với các huyện phía Bắc và sân bay Nội Bài. (Ảnh: Phạm Hùng)
Cầu Nhật Tân kết nối trung tâm Thủ đô với các huyện phía Bắc và sân bay Nội Bài. (Ảnh: Phạm Hùng)

Tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm đạt gần 324.000 tỷ đồng, bằng 79,2% dự toán; tổng chi ngân sách gần 53.000 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 23.000 tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2%. Thu hút FDI đạt hơn 1,37 tỷ USD, dự kiến cả năm đạt 3,13 tỷ USD.

Hà Nội xây dựng NTM về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Theo đó, TP đã bố trí 7.700 tỷ đồng cho xây dựng NTM với kết quả đến nay: 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là một thành tựu quan trọng góp phần nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và tạo ra sự phát triển đồng đều, bền vững trên toàn địa bàn TP. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03% và đã có 18/30 quận, huyện, thị xã của TP không còn hộ nghèo.

Hà Nội là địa phương đầu tiên cả nước ban hành và thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư cho 3 lĩnh vực: văn hóa, giáo dục và bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử với gần 50.000 tỷ đồng.

 

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Hà Nội chuyển biến tích cực theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Giai đoạn 2021 - 2025, TP dự kiến hoàn thành khoảng 1,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng gần 16.000 căn. Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, có 50 dự án được triển khai với khoảng 3,2 triệu m2 sàn với khoảng hơn 57.000 căn.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, CCHC, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được đẩy mạnh. Một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, DN đang được triển khai thử nghiệm nhằm xây dựng TP thông minh, hiện đại như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi); triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư (Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp lý lịch tư pháp…); Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động…

Điểm sáng kinh tế Thủ đô còn thể hiện rõ nét trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Hai quy hoạch lớn của TP là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được hoàn thành, trình Quốc hội khóa XV xem xét tại kỳ họp thứ 7. Hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tàu điện đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao. Ảnh: Phạm Hùng
Tàu điện đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao. Ảnh: Phạm Hùng

Thành phố Hà Nội cũng đã đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc khởi công như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội; đường Vành đai 2 trên cao; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2... Điều này góp phần tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Thủ đô.

Tạo ra cơ chế, chính sách mới để Thủ đô bứt phá

Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô năm 2024 với 7 Chương, 54 Điều, gồm 9 nhóm cơ chế, chính sách lớn rất đặc thù cho Thủ đô trên cơ sở thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng thời kế thừa, phát triển Luật Thủ đô năm 2012.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội đã cho ý kiến vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Các đại biểu Quốc hội nhận định, các đồ án được xây dựng công phu, khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mới để Thủ đô có thêm nhiều cơ hội bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, triển khai Luật Thủ đô năm 2024, TP tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt luật. Thực hiện công tác này, TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phổ biến sâu rộng Luật Thủ đô tới mọi tầng lớp Nhân dân cũng như các DN, doanh nhân và địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tập trung quán triệt, tuyên truyền để đạt sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô; trung tâm, động lực phát triển của Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Từ đó, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Thủ đô trở thành TP đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, TP kết nối toàn cầu, TP sáng tạo.

Đường giao thông nông thôn tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì). Ảnh: Tùng Nguyễn
Đường giao thông nông thôn tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì). Ảnh: Tùng Nguyễn

Đối với việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn. Luật giao ban hành văn bản để triển khai thực hiện 96 nhiệm vụ, trong đó 74 nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật; 22 nhiệm vụ ban hành văn bản cá biệt. Do đó, trước mắt TP sẽ phối hợp cùng các cơ quan T.Ư xây dựng và trình Chính phủ 3 nội dung; TP xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1/1/2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô.

Nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được sau 70 năm giải phóng và truyền thống hơn 94 năm của Đảng bộ Thủ đô, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ và cả hệ thống chính trị Thủ đô sẽ nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2020-2025, chung tay cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sớm triển khai Luật Thủ đô năm 2024 đạt hiệu quả cao nhất để thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".