Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ chính thức được gia hạn

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp ước Giảm Vũ khí Tấn công Chiến lược Mới (New START) giữa Nga và Mỹ chính thức được gia hạn đến năm 2026.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, thỏa thuận nhất trí gia hạn Hiệp ước New START bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/2 sau khi cả hai nước chính thức hoàn thành thủ tục để gia hạn hiệp ước quan trọng này.
 Hiệp ước New START chính thức được gia hạn.
"Ngày 3/2, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow và Bộ Ngoại giao Nga đã hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết về việc gia hạn Hiệp ước New START và thỏa thuận này có hiệu lực ngay trong ngày thứ Tư. Theo thỏa thuận, Hiệp ước hạt nhân giữa Nga và Mỹ được gia hạn đến ngày 5/2/2026 ", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Antony Blinken thông báo Mỹ gia hạn hiệp ước New START với Nga thêm 5 năm, trước khi thỏa thuận hết hạn vào ngày 5/2. "Tổng thống Joe Biden cam kết giữ cho người dân Mỹ an toàn trước các mối đe dọa hạt nhân bằng cách khôi phục sự dẫn đầu của Mỹ về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí", Ngoại trưởng Blinken thông báo ngày 3/2. "Hôm nay, Mỹ thực hiện bước đầu tiên để thực hiện tốt cam kết đó khi gia hạn Hiệp ước New START với Nga thêm 5 năm".
Hôm 29/1, Tổng thống Nga Vladimia Putin cũng đã ký đạo luật gia hạn thêm 5 năm New START.
Bộ Ngoại giao Nga hoan nghênh động thái của Mỹ. Theo bộ này, việc gia hạn Hiệp ước New START sẽ đảm bảo duy trì và củng cố cơ chế duy trì ổn định chiến lược về kiểm soát vũ khí hạt nhân.
New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí cuối cùng giữa Nga và Mỹ, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Hai nước cũng bị giới hạn về số lượng tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.
Cựu Tổng thống Donald Trump không muốn gia hạn New START vì cho rằng hiệp ước không liệt kê đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân của Nga, đồng thời muốn đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí rộng hơn. Nhiều nghị sĩ Mỹ và chuyên gia coi đề xuất này là biện pháp phá hủy New START và chấm dứt giới hạn kiểm soát kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, do Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn ý tưởng trên./.