Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là hội nghị là lần thứ hai Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trong nhiệm kỳ 2021-2026. Khác với lần thứ nhất, việc tổng kết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 3 Hội nghị ở 3 vùng miền: khu vực phía Bắc - khu vực miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam thì Hội nghị hôm nay (21/2) có sự tham dự đầy đủ của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố của cả nước.
Năm 2022, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022.
Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của của HĐND đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Kết quả các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương.
Năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan; đánh giá những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị sao cho thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2022, số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước giảm 42 đại biểu so với năm 2021; một số tỉnh có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và số lượng Ủy viên các Ban HĐND.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và HĐND các địa phương đã kịp thời kiện toàn, nhanh chóng ổn định tổ chức, bảo đảm hoạt động thông suốt, tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động.
Đồng thời thể hiện tinh thần nghiêm túc, kịp thời xử lý kỷ luật những đại biểu HĐND vi phạm, phù hợp với kỷ luật về Đảng, kể cả đã về hưu, góp phần làm trong sạch bộ máy củng cố niềm tin của nhân dân.
Năm 2022, HĐND mỗi tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ, tổ chức tổng số 198 kỳ họp chuyên đề và 51 kỳ họp đột xuất, kịp thời giải quyết những nội dung phát sinh đột xuất. Sau mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND cấp tỉnh đã báo cáo và gửi hồ sơ kết quả kỳ họp về UBTVQH và Chính phủ theo quy định.
Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, đại biểu HĐND đã chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của địa phương.
Sau mỗi phiên họp chất vấn, HĐND đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đôn đốc, tổ chức tái giám sát trong thực hiện các vấn đề, các cam kết trước nhân dân và cử tri địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, năm 2022, hoạt động của HĐND cấp tỉnh đã có nhiều đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động. Hiệu lực, hiệu quả được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị ở từng địa phương.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Tại hội nghị, các địa phương nhất chí cao với các nội dung báo cáo hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó thể hiện rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát, hướng dẫn hoạt động đối với HĐND các cấp.