Trưng bày cũ kĩ và lạc hậu
Nằm trên đường Nguyễn Thái Học, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô. Tại đây lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu có giá trị, những bằng chứng sinh động về sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời tiền sử đến nay. Mặc dù vậy, lượng khách trung bình mỗi năm của bảo tàng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 50.000 - 60.000 lượt người, trong đó 90% là khách quốc tế. Tương tự, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Yên Nghĩa, Hà Đông) có nhiều hiện vật đặc sắc như: Pháo cao xạ sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ, hầm chỉ huy cơ bản đường Trường Sơn, các loại phương tiện vận tải… nhưng luôn trong tình trạng thưa vắng khách.Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc trưng bày thiếu thu hút và đa dạng.
Anh Vũ Quang Bá - nhân viên một công ty lữ hành nhận xét về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Ánh sáng trong bảo tàng chưa làm nổi bật được các tác phẩm. Bảo tàng lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhưng việc trình bày thiếu sống động. Còn website của bảo tàng thì hình ảnh, tư liệu quá ít, trình bày khô khan, thiếu điểm nhấn. Du khách muốn tìm hiểu một số hiện vật, bảo vật quốc gia lại khó tìm kiếm thông tin”. Còn theo anh Hoàng Trung Thông, du khách đến từ Thái Nguyên: “Đến Bảo tàng đường Hồ Chí Minh, tôi được vào cửa tự do, không mất vé cũng không ai đón tiếp. Chúng tôi phải tự tìm đến văn phòng, nhờ người quản lý mới được phục vụ”.Rõ ràng, nhu cầu của khách tham quan đến bảo tàng không còn chỉ đơn giản là ngắm nhìn hiện vật quý được trưng bày trong các tủ kính mà họ muốn được tham gia, thực hành, trải nghiệm nhằm tìm hiểu kiến thức, thông tin và cũng không thể thiếu đó là nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, để đáp ứng được xu thế chung này thì với hệ thống bảo tàng ở Việt Nam vẫn đang ở “vạch xuất phát”. Trong khi đó hiện nay mô hình “bảo tàng thông minh” với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới.Thay đổi để tồn tạiTheo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: Việc lồng ghép tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động và hiệu quả. Với những bảo tàng có các hoạt động tương tác, trải nghiệm độc đáo, mới lạ sẽ thu hút đông đảo công chúng đến tham quan. Để có được hiệu quả đó, những người làm công tác trưng bày bảo tàng cần nghiên cứu nội dung, lập kế hoạch trưng bày ngắn hạn, dài hạn, tạm thời. Đồng thời, họ cần tiếp cận, thay đổi cách thức trưng bày từ tĩnh sang động, kết hợp với công nghệ số, lồng ghép với các hoạt động trải nghiệm để thu hút khách tham quan.Hệ thống bảo tàng tại Việt Nam đang góp phần lưu giữ, bảo tồn các hiện vật, tài liệu quý, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Vừa qua, Bộ VHTT&DL có công văn gửi bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội ở T.Ư và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư về việc định hướng hoạt động bảo tàng. Một trong 4 định hướng chính được đặt ra là xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”.Tuy nhiên, việc định hướng trên cũng chỉ là bước tạo đà, còn triển khai ra sao là ở chính các bảo tàng. Hiện thực tế đang có một nghịch lý, nơi sợ khách đến thăm, nơi lại quá vắng khách. Đơn cử, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam dù rất muốn phát triển, gắn kết với du lịch nhưng đơn vị này lại sợ quá đông khách tham quan vì chỉ có khuôn viên có 300m2, một lượt phục vụ tối đa chỉ 30 người. Còn Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ở xa trung tâm, gắn kết du lịch khó khăn nên thường xuyên “vắng như chùa bà đanh”. Vì vậy, với mỗi đặc trưng khách nhau, người đứng đầu bảo tàng cần có định hướng, đổi mới, nâng cao chất lượng phù hợp với thực trạng từng nơi.
Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Hải Vân, bên cạnh trưng bày thường xuyên, các bảo tàng cần đầu tư cho trưng bày chuyên đề với những kịch bản riêng, đề cao tính tương tác, khơi gợi tìm tòi, suy nghĩ từ công chúng. Khi đó, bảo tàng không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, mà trở thành nơi phản biện xã hội, thu hút sự quan tâm, suy ngẫm của người xem. |